Khi tham gia các môn thể thao, phụ nữ gặp nhiều khó khăn hơn nam giới do bầu ngực lớn không vận động theo hướng của cơ thể. Việc sử dụng áo ngực thể thao sẽ giúp cố định vòng một và giảm chấn thương cho nữ vận động viên.

Vất vả, đau đớn vì vòng 1 lớn

Một nghiên cứu mới của Christ Mills - Đại học Portsmouth, Anh - cho biết, ngực phụ nữ nước này đang có xu hướng to lên khi cỡ áo ngực tăng từ 36C tới 36DD (tương đương với việc ngực tăng 430gr). Điều này đồng nghĩa với việc những phụ nữ tập thể dục, thể thao gặp nhiều khó khăn hơn.

Khi chúng ta tập luyện, các bộ phận cơ thể sẽ vận động theo nhiều hướng với tốc độ khác nhau. Ngực phụ nữ có nhiều mô mỡ và ít được hỗ trợ bởi cơ bắp nên không theo hướng chuyển động của thân. Việc mặc áo ngực có thể giúp khắc phục điều này. Tuy nhiên, rất nhiều phụ nữ ngực lớn vẫn dễ bị đau vai và lưng.

Tay vợt nữ người Romania Romania Halep đã phẫu thuật ngực để nâng cao thành tích thi đấu. Ảnh: The Himalayantimes.com

Theo báo cáo trên tạp chí British Medical Journal (Anh), 1/3 số phụ nữ tham gia giải chạy London Marathon năm 2013 - cụ thể là 1.300 người - cho biết bị đau ngực khi tập luyện. Tỷ lệ phàn nàn tăng theo kích cỡ ngực. Khoảng một nửa số người có vòng 1 cỡ F bị đau nhiều; và cứ 10 người bị đau thì có 3 người cho biết áo ngực của họ không phù hợp.

Với các môn đòi hỏi sự cân bằng giữa trọng lượng cơ thể và sức mạnh cũng như sự chuyển động của toàn bộ cơ thể như thể dục dụng cụ, điền kinh, bộ ngực lớn càng gây bất lợi.

“Trọng lượng lớn hơn phía trước cơ thể sẽ tăng độ căng thẳng cho các chuỗi cơ chạy dọc theo lưng. Các cơ này phải làm việc nhiều hơn nên đòi hỏi nhiều năng lượng hơn. Với nữ vận động viên, việc mang thêm trọng lượng của bộ ngực phía trước chỉ đem lại một hình phạt đối với hiệu suất thi đấu chứ không có lợi gì” - Christ Mills nhận định trên tờ The Conversation.com.



Áo ngực thể thao chắp cánh cho nữ vận động viên

Để khắc phục hạn chế tự nhiên trên, các nhà nghiên cứu đã thiết kế các loại áo ngực thể thao giúp nữ vận động viên thi đấu tốt hơn. Năm 1977, áo ngực dành cho người tập thể dục, thể thao đầu tiên được Lisa Lindahl và Polly Smith thiết kế với sự giúp đỡ của vận động viên điền kinh Hinda Miller. Tuy còn đơn giản, nhưng chiếc áo này đã nhanh chóng tạo ra một trào lưu mới.

“Chúng tôi cho rằng mình cần làm những gì mà đàn ông đang làm. Đó là kéo tất cả mọi thứ ôm sát vào thân” - Miller nói.

Áo ngực thể thao ngày nay chú ý nhiều hơn tới các tính năng công nghệ và khoa học, như các vật liệu dệt kim liền mạch và các cảm biến siêu nhỏ, những thiết bị truyền động được tích hợp vào áo. Một số loại còn chứa cảm ứng nano trong vật liệu dệt - may, có thể kết nối với smartphone để theo dõi tim mạch và phát hiện dấu hiệu ung thư vú. Những thiết kế này không những giảm thiểu sự khó chịu mà còn cải thiện hiệu suất thi đấu.

“Khi chạy hơn 5km, phụ nữ mang áo ngực thể thao có thể nâng cao kỹ thuật chạy so với áo ngực thông thường” - Christ Mills cho biết trên tờ The Conversation.com.

Áo ngực thể thao hứa hẹn sẽ là một mặt hàng ăn khách, hướng đến không chỉ nữ vận động viên mà cả những người ưa thích thể thao, thể dục. Lợi ích từ nó đã đem lại hàng tỷ USD cho ngành công nghiệp này.

Theo thống kê trên chuyên trang Racked.com của Tập đoàn Vox Media (Mỹ), năm 1998, ngành công nghiệp áo ngực thể thao trị giá 412 triệu USD nhưng đến năm 2015 đã tăng tới 15 tỷ USD.

Các chuyên gia cho biết, việc mặc áo ngực thể thao đúng cách và đúng kích cỡ rất quan trọng đối với phụ nữ tập luyện. Việc mặc sai cỡ hoặc loại áo khi tập có thể khiến cổ, lưng, ngực bị đau.

“Nếu bạn mặc sai áo ngực hằng ngày thì cũng có thể sẽ mặc sai áo ngực thể thao. Điều đó có thể làm bầu ngực chùng xuống và làm tổn thương các mô liên kết của vú, khiến ngực bị đau” - Febin Melepura, chuyên gia tại Trung tâm Chăm sóc y tế Standford Pain and Sports Medicine of NYC (Mỹ) - khuyến cáo trên tờ Dailymail.

Hàng trăm nghìn phụ nữ Mỹ thu nhỏ vòng 1 vì thể thao.

Theo Christ Mills, nhiều nữ vận động viên đã phẫu thuật thu nhỏ vòng 1 để nâng hiệu suất thi đấu. Năm 2009, tay vợt Romania là Simona Halep đã “rút gọn” bộ ngực từ kích cỡ 34DD xuống 34C để tăng tốc độ phản xạ thi đấu. Nhờ vậy, cô đã bật từ hạng 450 thế giới lên vị trí thứ ba vào năm 2014 (hiện xếp hạng 5 thế giới).

Vận động viên điền kinh Jana Rawlinson của Australia - vô địch giải 400m tại World Championships 2007 - cũng tiết lộ đã cắt bớt vòng 1 để tăng cơ hội vô địch tại Olympic 2012. Năm 2015, ở Mỹ có hơn 100.000 phụ nữ thực hiện phẫu thuật này với lý do muốn chơi thể thao tốt hơn.