Tem bất kỳ nước nào, hình dáng ra sao, kể cả mã số in trên tem để tra cứu nguồn gốc và phương pháp canh trồng của các loại trái cây nhập khẩu đều có thể dễ dàng làm giả.

Chương trình Nói không với thực phẩm bẩn ngày 3/7 tiếp tục câu chuyện về ma trận các loại tem dán nhãn trên trái cây nhập khẩu. Câu hỏi được đặt ra là ai có thể sản xuất những loại tem dán nhãn như thế nào và đường đi của các loại tem này như thế nào.

Theo lời tiểu thương hướng dẫn, phóng viên VTV đã tới một cửa hàng in lụa ở quận 3 TP.HCM. Ở đây, nhân viên đã đưa hàng loạt một loạt loại tem dán nhãn trái cây đã được làm từ trước và khẳng định loại tem này được đặt rất nhiều. Tem bất kỳ nước nào, hình dáng ra sao, kể cả mã số in trên tem để tra cứu nguồn gốc và phương pháp canh trồng của các loại trái cây nhập khẩu cũng đều có thể làm được.

Người tiêu dùng đang bị lừa một cách công khai với hàng loạt tem dán nhãn trái cây giả.

Chỉ sau 1 ngày thiết kế theo yêu cầu đã có thể in hàng loạt các con tem bằng máy in màu đơn giản. Vì dễ dàng nên mức giá cực rẻ, nếu in trên 1000 tem thì giá chỉ có 100 đồng/cái còn nếu làm giấy thường, mỗi con tem chỉ có giá 60 đồng. Điều đáng nói là các cơ sở in tem này cho rằng, tất cả đều hợp pháp, được làm công khai, nghĩa là người tiêu dùng đang bị lừa một cách công khai.

Trao đổi với một công ty chuyên nhập khẩu trái cây thì được biết, việc sống chung với tem giả, tem tự in ấn trong thời gian quá lâu nên đơn vị bắt buộc phải chuyển đổi thị trường. Doanh nghiệp này chỉ phân phối trái cây cho hệ thống siêu thị còn chợ lẻ bên ngoài thì không tham gia vì không cạnh tranh được về mức giá. Doanh nghiệp cho biết, hiện pháp luật Việt Nam chưa quy định chặt chẽ về quản lý tem nhãn và chưa có quy định bắt buộc.