Các nhà khoa học Anh đưa ra gợi ý về cách mọi người có thể đốt cháy lượng mỡ thừa nhiều hơn thông qua việc tập thể dục trước khi ăn sáng.

Ảnh: Health.
Ảnh: Health.

Một số người tranh luận với nhau rằng chúng ta nên ăn sáng trước hay sau khi tập thể dục? Những người ủng hộ việc ăn sáng trước khi tập thể dục cho biết điều này làm tăng lượng đường trong máu, cung cấp thêm nguồn năng lượng cho cơ thể hoạt động, qua đó tăng cường độ và thời gian tập luyện. Nó cũng giúp chúng ta không quá mệt mỏi hoặc chóng mặt.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tại Đại học Bath (Anh) đưa ra quan điểm ngược lại. Họ phát hiện tập thể dục trước bữa ăn đầu tiên trong ngày giúp mọi người đốt cháy nhiều chất béo hơn so với khi tập thể dục sau bữa sáng. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism vào ngày 18/10.

Để tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học chia 30 tình nguyện viên là những người đàn ông béo phì hoặc thừa cân thành ba nhóm khác nhau. Nhóm thứ nhất sẽ tập thể dục trước bữa sáng, nhóm thứ hai tập thể dục sau khi ăn sáng, và những người thuộc nhóm kiểm soát không cần thay đổi thói quen hằng ngày.

Sau thời gian 6 tuần, các nhà nghiên cứu phát hiện nhóm tình nguyện viên tập thể dục trước khi ăn sáng đốt cháy lượng chất béo gấp đôi so với nhóm tập thể dục sau bữa sáng.

Nhóm nghiên cứu cho biết, nguyên nhân gây ra hiện tượng trên liên quan đến nồng độ hormone insulin trong cơ thể. Mọi người có nồng độ insulin thấp hơn sau khi nhịn ăn qua đêm. Nếu cơ thể không nhận được nguồn năng lượng mới cung cấp từ bữa sáng, nó sẽ chuyển sang đốt cháy chất béo lấy từ các mô mỡ và cơ bắp trong lúc tập thể dục.

Các nhà nghiên cứu lưu ý, việc thay đổi thời điểm tập thể dục cũng tạo ra hiệu ứng tích cực đối với sức khỏe. Cụ thể, cơ thể của các tình nguyện viên tập thể dục trước bữa sáng đáp ứng tốt hơn với insulin. “Điều này giúp kiểm soát lượng đường trong máu, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim”, Javier Gonzalez, thành viên của nhóm nghiên cứu, nhận định.

“Kết quả của chúng tôi cho thấy việc thay đổi thời gian ăn sáng và tập thể dục có thể mang lại những thay đổi sâu sắc và tích cực cho sức khỏe tổng thể của bạn”, Gonzalez nói.

Nhiều người có suy nghĩ sai lầm rằng “bỏ bữa ăn sáng sẽ giúp giảm cân nhanh hơn”. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu được trình bày tại hội nghị thường niên về sinh học thực nghiệm tổ chức ở San Diego, California (Mỹ), bỏ bữa sáng là một yếu tố có thể khiến chúng ta tăng cân và tăng nguy cơ bị béo phì trong tương lai.

Nguyên nhân là do những người không ăn sáng có hàm lượng insulin tăng đột biến sau bữa ăn trưa. Hàm lượng insulin thay đổi thất thường sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường và tăng cân. Ngoài ra, những người ăn sáng sẽ có xu hướng ăn ít hơn vào bữa trưa và bữa tối. Bữa sáng giúp làm giảm cảm giác thèm ăn – nguyên nhân có thể dẫn đến những lựa chọn thực phẩm không tốt cho sức khỏe trong các bữa ăn sau đó.