Sự bành trướng đầy nguy hiểm của chủ nghĩa khủng bố làm dấy lên nhiều câu hỏi mà các nhà tâm lý học đang nghiên cứu tìm đáp án: Tại sao những kẻ khủng bố lại tàn độc với đồng loại như vậy? Chúng nghĩ gì khi cướp đoạt mạng sống của những người vô tội?

Theo Chỉ số khủng bố toàn cầu 2015, tỷ lệ thiệt mạng vì khủng bố đã tăng gần 10 lần so với những năm đầu của thế kỷ 21. Nếu như năm 2000 có 3.329 người thiệt mạng vì khủng bố thì đến năm 2014, con số này là 32.685 người.

“Dấu hiệu báo trước” của kẻ khủng bố

TS John Horgan - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khủng bố quốc tế thuộc ĐH bang Pennsylvania (Mỹ) - đã phỏng vấn 60 cựu thành viên khủng bố và phát hiện, trước đó những người này thường có các biểu hiện sau: Cảm thấy giận dữ, bị xa lánh và tách biệt khỏi xã hội; tin rằng địa vị hiện tại không cho phép mình tạo ra sự thay đổi thật sự; đồng nhất mình với các nạn nhân của bất công xã hội mà mình đang tranh đấu; cảm thấy phải hành động ngay; tin rằng bạo lực chống lại nhà nước không vi phạm đạo đức; việc tham gia khủng bố sẽ đem lại nhiều phần thưởng như cơ hội phiêu lưu, tình đồng chí và sự nâng cao ý thức về bản ngã; bị cám dỗ bởi cuộc sống mơ ước mà các tổ chức khủng bố hứa hẹn.

“John thánh chiến” trước và sau khi tham gia IS.
“John thánh chiến” trước và sau khi tham gia IS.

Theo Horgan, mong muốn được cổ vũ và nhìn nhận bản thân cũng là động lực cho việc giết chóc. Khi tham gia các nhóm cực đoan, kẻ khủng bố phát triển cái gọi là “chúng ta” và “chúng”, nên mất đi sự đồng cảm với nạn nhân bị sát hại. Khi đó, việc giết chóc sẽ giống như phá hủy vật gì đó hơn là tước đoạt mạng sống.

Nhà tâm lý Ervin Staub - ĐH Massachusetts (Mỹ) - xác định 3 dạng khủng bố chủ yếu: Một là “nhóm lý tưởng” gồm những kẻ đồng nhất mình với một số nhóm sắc tộc chịu đau khổ, sẵn sàng kích động bạo lực chống lại nhà nước để tạo ra sự thay đổi tức thì. Hai là “nhóm phản ứng” - là kẻ phản ứng với những kinh nghiệm kiểu như lớn lên trong trại tị nạn, chứng kiến người thân bị sát hại, hoặc với quá khứ bị lạm dụng tình dục. Ba là “nhóm vô hồn”, gồm những kẻ lang bạt, bị cô lập, sống tách biệt với xã hội và tìm mục đích cuộc đời ở các tổ chức cực đoan. Nhóm này là “mảnh đất màu mỡ” cho những kẻ tuyển mộ khủng bố.

Rối loạn nhân cách dễ thành khủng bố?

Giới tâm lý học đã nghiên cứu đặc điểm cá nhân của những kẻ khủng bố để giải thích khuynh hướng bạo lực của chúng. Nhiều người cho rằng, chỉ những kẻ tàn ác, rối loạn nhân cách mới trở thành khủng bố. Theo GS Jerrold Post thuộc ĐH George Washington, nhiều kẻ khủng bố có tư tưởng tội phạm và từng sống như tội phạm. Tuy nhiên, không ít nghiên cứu đã chứng minh, ngay cả người bình thường cũng có thể sa vào cực đoan và làm hại đồng loại vô tội khi gặp vấn đề tâm lý, bất mãn với xã hội, sùng tín về tôn giáo hoặc bị tác động bởi các yếu tố chính trị, quyền lực.

Hiện nay ở phương Tây, nhiều thanh niên Hồi giáo bị gạt ra ngoài lề xã hội, không có cơ hội sự nghiệp, bị phân biệt đối xử. Làn sóng bài Hồi giáo, chống nhập cư càng khiến sự bất mãn gia tăng. Đó là lý do nhiều thanh niên Hồi giáo rời bỏ quê nhà, đến Syria và Iraq để gia nhập IS.

“John thánh chiến” - đao phủ khét tiếng của IS - là ví dụ điển hình. John vốn là một công dân Anh có tên Mohammed Emwazi, 27 tuổi. Y sinh ra trong một khu ổ chuột tại Kuwait và chuyển đến Anh cùng gia đình khi lên 6 tuổi. Emwazi từng học tại một trường công lập ở London rồi trở thành sinh viên khoa học máy tính tại ĐH Westminster trước khi tới Syria tham gia “thánh chiến” năm 2013. Emwazi từng tiết lộ, y vào IS do bất mãn với việc bị Chính phủ Anh buộc tội có ý định tham gia tổ chức khủng bố Al-Shebab và đưa vào danh sách theo dõi.

Ông Maajid Nawaz - người Anh gốc Pakistan, tác giả một cuốn sách về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan - chia sẻ, sau khi tới Anh định cư, ông luôn bị kỳ thị tôn giáo, phân biệt đối xử, lạm dụng và quấy rối... Đây là lý do chính khiến Nawaz - vốn là một sinh viên giỏi, đam mê hiphop - tham gia một nhóm cực đoan. May mắn là ông đã thức tỉnh kịp thời.

Tháng 9/2007, khi tấn công một trại huấn luyện của phiến quân nổi dậy Iraq, quân đội Mỹ tìm thấy nhật ký của hàng trăm tay súng nước ngoài. Trong nhật ký, các “cỗ máy giết người” này thể hiện rõ sự tuyệt vọng, giận dữ, cảm giác bất lực, ý muốn phản kháng và biểu hiện cực đoan tôn giáo...

Chuyên gia Robert Pape thuộc ĐH Chicago (Mỹ) cho rằng, hành động tấn công liều chết của những kẻ khủng bố là sự phản ứng với các cuộc can thiệp quân sự. Không ít học giả, chính trị gia phương Tây khẳng định, cuộc chiến do Mỹ phát động ở Afghanistan và ở Iraq sau vụ khủng bố 11/9/2001 đã làm bùng lên tâm lý giận dữ, khát khao báo thù của các tín đồ Hồi giáo cực đoan. Trên thực tế, mạng lưới khủng bố al-Qaeda vốn không hiện diện ở Iraq trước khi quân Mỹ đổ bộ vào nước này. Mới đây, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cũng phát biểu, cuộc chiến của Mỹ tại Trung Đông đã góp phần hình thành và nuôi dưỡng “bóng ma” IS ám ảnh toàn cầu.