Trên thế giới, tế bào gốc để ghép cũng được lấy từ hai nguồn: Người hiến (phải có nguồn dữ liệu rất lớn với hàng trăm nghìn người) và máu cuống rốn. Đó là lý do Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây dựng ngân hàng máu cuống rốn cộng đồng.

“Qua Khoa học và Phát triển, tôi đọc được nhiều thông tin hữu ích về tế bào gốc, về ngân hàng máu cuống rốn cộng đồng mới được xây dựng ở Việt Nam. Tôi được biết tỷ lệ sử dụng máu cuống rốn rất thấp trong khi phí lưu trữ rất cao và Việt Nam đã có thể ghép tế bào gốc tự thân, vậy ngân hàng này có thật sự cần thiết? Xin được giải thích rõ hơn về ghép tế bào gốc tự thân và đồng loài” - độc giả Trần Linh, Hà Nội.

Phòng chiết tách tế bào gốc tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Ảnh: Loan Lê

TS Trần Ngọc Quế - Phó Giám đốc Ngân hàng Tế bào gốc, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương - trả lời: Tỷ lệ sử dụng máu cuống rốn lưu trữ cho cá nhân chỉ dưới 0,1%. Với mô hình ngân hàng máu cuống rốn cộng đồng, các mẫu lưu trữ được dùng cho người khác nên tỷ lệ này cao hơn nhiều, nhưng tối đa cũng chỉ 20% bởi để ghép tế bào gốc thành công, người nhận phải có sự tương thích rất cao về sinh học với mẫu hiến tặng.

Tuy tỷ lệ sử dụng thấp, nhưng việc lưu trữ tế bào gốc trong ngân hàng cộng đồng vẫn góp phần quan trọng trong việc điều trị bệnh. Phương pháp ghép tế bào gốc tự thân mà Việt Nam đã thực hiện thành công giúp điều trị nhiều bệnh về máu; nhưng với bệnh nhân ung thư máu, phương pháp này không áp dụng được mà phải ghép đồng loài. Trong trường hợp đó, cần tìm người hiến phù hợp, nhưng ngay cả anh, chị, em ruột cũng chỉ có tỷ lệ tương thích 25% và mô hình gia đình chỉ có từ 1-2 con, xác suất phù hợp rất thấp. Số 75% còn lại phải tìm ở cộng đồng.


Trên thế giới, tế bào gốc để ghép cũng được lấy từ hai nguồn: Người hiến (phải có nguồn dữ liệu rất lớn với hàng trăm nghìn người) và máu cuống rốn. Chi phí cho người hiến rất lớn (khoảng 10 triệu đồng/người và nguồn người hiến tế bào gốc ở Việt Nam cũng rất hiếm. Đó là lý do Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây dựng ngân hàng máu cuống rốn cộng đồng.

Về các phương pháp ghép tế bào gốc, với phương pháp ghép tự thân, bác sỹ sẽ lấy tế bào gốc từ chính bệnh nhân để truyền cho người bệnh - đã được truyền hóa chất liều cao trước đó để tiêu diệt các tế bào bệnh lý.

Còn trong phương pháp ghép đồng loài, tế bào gốc có thể được lấy từ nhiều nguồn như máu cuống rốn, tủy xương, có thể lấy từ anh, chị, em ruột hoặc những người không cùng huyết thống, với điều kiện là có sự phù hợp về gene và HLA (kháng nguyên bạch cầu người). Khả năng điều trị thành công đối với phương pháp ghép tế bào gốc tự thân là 70%, phương pháp ghép tế bào gốc đồng loài là 60-70%.