Phong trào dinh dưỡng lành mạnh với bữa ăn có gạo lứt, nếp lứt, các thực vật bổ dưỡng như ý dĩ, hạt sen, hạt mè... hiện không chỉ được áp dụng cho người lớn, mà còn được các nhà dinh dưỡng kiểu mới khuyến khích bổ sung cho bữa ăn của trẻ em.


Dù uống bổ sung sữa bò hay sữa thực vật thì trẻ cũng cần một chế độ ăn đa dạng, cân bằng - Ảnh minh họa: T.T.D.
Dù uống bổ sung sữa bò hay sữa thực vật thì trẻ cũng cần một chế độ ăn đa dạng, cân bằng - Ảnh minh họa: T.T.D.

“Ba năm trước khi bà xã tôi có bầu, gia đình chúng tôi lúc đó đang ăn chay nên người thân sợ em bé sinh ra sẽ đen và nhỏ xíu cho coi. Nhưng khi sinh con tôi nặng 3,6kg và rất trắng trẻo”- một người cha áp dụng chế độ ăn thực dưỡng hoàn toàn bằng thực vật chia sẻ.

Sữa rau củ, các loại hạt 
có thay được sữa bò?

Từ chỉ là những món ăn mang tính chất “hương đồng gió nội”, xu hướng mới của một bộ phận người thành thị là đem bắp, khoai và các thực vật như mè, gạo lứt, hạt sen... chế biến thành sữa: nào sữa ngô, sữa khoai, sữa đậu nành, sữa cho bà bầu và bé theo phương pháp thực dưỡng.

Thị trường đang có hàng loạt sản phẩm sữa thực vật, chưa kể những sản phẩm tự phối trộn theo kinh nghiệm cá nhân từ các loại hạt được dân gian tin là bổ dưỡng với sức khỏe.

Chị Trần Lan Hương, người đang nổi tiếng với biệt danh “Dr Rau”, giảng viên các khóa học về thiền và dinh dưỡng, cho rằng trẻ đã mọc răng thì không nên bồi bổ bằng cách cho bé uống đủ thứ sữa, mà nên cho trẻ ăn thức ăn rắn được xắt miếng để trẻ nhai.

“Nhiều bà mẹ đến chỗ chúng tôi rất băn khoăn nếu như không có sữa thì sợ bé không lớn, nên cần một thứ nước có màu trắng như sữa để thay thế, từ đó các mẹ bắt đầu chú ý đến việc chế biến sữa từ thảo mộc cho con, như sữa ngô, sữa khoai, sữa đậu nành hay hạnh nhân”- chị Hương giải thích.

Mặc dù các bác sĩ dinh dưỡng hàng đầu VN vẫn coi sữa bò (và một phần nhỏ trong thị trường sữa hiện nay là sữa dê) như sản phẩm không thể thay thế nếu muốn trẻ có thêm canxi, tăng chiều cao, có tầm vóc sức bền tốt hơn so với lứa cha mẹ các cháu, nhưng chị Hương lại có quan điểm khác.

“Trong khi sữa mẹ giàu DHA và chất béo để trẻ phát triển não bộ, thì sữa bò lại giàu đạm và canxi, còn DHA và chất béo rất thấp, mục tiêu để phát triển cơ bắp. Các nhà hoạt động dinh dưỡng như chúng tôi cố gắng tiến thêm một bước mới trong nhận thức của các mẹ là cho trẻ uống quá nhiều sữa bò cũng không phù hợp với cơ thể tự nhiên của người”, chị Hương nói.

Tuy nhiên, theo phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Lê Bạch Mai thì sữa là thực phẩm như rau, như thịt, lại không có nguồn thực phẩm nào có nguồn canxi, phốtpho tốt như sữa, nên không có lý do nào phải tách sữa.

Bà Mai cho rằng có thể sử dụng sữa thực vật, vì sữa động vật cũng như thực vật đều có ưu thế riêng, như sữa thực vật đặc biệt là từ đậu, vừng lạc cũng giàu axit amin, nhưng ít sắt nên dùng sữa kể cả động vật và thực vật đều phải ăn thêm thịt, nếu không da dẻ sẽ rất xanh.

Cũng theo bà Mai, "dù sữa động vật hay thực vật đều tốt nhưng sữa động vật giàu dưỡng chất hơn".

Bí quyết chế biến 
sữa thực vật

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị khoa học chuyên đề ngày 16-4 về tiêu chuẩn mới trong chẩn đoán các rối loạn chức năng tiêu hóa của trẻ em, hầu hết các bác sĩ sản - nhi được hỏi đều cho biết giai đoạn trẻ dưới 6 tháng tuổi, các bác sĩ tư vấn cho mẹ là sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh, nhưng sau 6 tháng tuổi, chế độ ăn giặm có bao gồm sữa từ thực vật cũng có thể sử dụng để bổ sung cho chế độ ăn.

Các loại sữa từ thực vật rất hợp với người ăn kiêng, ăn chay hoặc người lớn tuổi. Theo đó, sữa thực vật có thành phần chính là hạt hạnh nhân được khuyến cáo là tốt cho sức khỏe. Thứ đến có thể dùng sữa từ đậu nành, khoai, bắp...

Nhưng theo chị Trần Lan Hương, sữa từ đậu nành có nhiều estrogen thực vật và không tốt cho các chị em có u xơ hay cơ địa dễ mọc u xơ. Nhóm chị em này không nên sử dụng sữa từ đậu nành.

Các loại đậu đỏ, ngô, khoai hoặc các loại ngũ cốc sử dụng để làm sữa nên được ngâm kỹ trước khi xay, theo “Dr Rau” là để khử chất kháng dinh dưỡng. Chất này vốn có mặt để bảo vệ hạt không nảy mầm quá sớm, nhưng khi được sử dụng làm sữa thì nếu không ngâm, chất này sẽ cản trở cơ thể người sử dụng hấp thu khoáng chất.

“Dr Rau” khuyến cáo có thể thay thế canxi trong sữa bò bằng cách ăn nhiều rau có màu xanh lá, còn đạm có thể bổ sung từ các loại đậu, hạt, thịt được nuôi trồng theo quy trình sạch, chứ không nhất thiết phải cứ có sữa bò thì trẻ mới cao lớn.

Quảng cáo đang ví sữa bò như thần, các nhà hoạt động dinh dưỡng mới thì có quan điểm trái ngược. Phe nào cũng cố gắng chứng minh cái lý của mình.

Nhưng các loại sữa thực vật phần lớn mới ở giai đoạn sơ khai, chưa có đánh giá định lượng xem với ngần ấy sữa thực vật thì thu được bao nhiêu năng lượng, có đủ bổ sung cho người ăn kiêng, người già, trẻ em thay thế bữa ăn hay không. Chưa kể, nếu sữa thực vật sản xuất thủ công thì lo ngại khâu phối trộn, lựa chọn nguyên liệu và an toàn thực phẩm.

Nên dù đây là xu hướng mới, Bộ Y tế cần chú ý đến để tránh mất an toàn khi xu hướng này xuất hiện trên diện rộng.