Không tin tưởng vào khả năng điều trị ung thư của ngành y tế Việt Nam là nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân dốc hết gia tài sang Singapore, Đài Loan… chữa chạy. Trong khi đó, trình độ chữa ung thư của nước ta được đánh giá là không thua kém mặt bằng chung trong khu vực.

Chi phí cực cao vẫn rủi ro

ThS-BS Đoàn Trung Hiệp - Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City - cho biết, ông đã điều trị cho không ít bệnh nhân ung thư từng chữa ở nước ngoài nhưng không hiệu quả - trong đó có một bệnh nhân ung thư tụy ở Quảng Ninh. Người này đã điều trị ở Singapore, tốn hơn 2 tỷ đồng. Đến giai đoạn xạ trị, ông quyết định về nước vì không đủ khả năng tài chính, với thông báo của bệnh viện Singapore là bệnh đang được khống chế. Tuy nhiên khi về Việt Nam, bác sỹ kiểm tra phim chụp trong hồ sơ thì thấy bệnh vẫn đang tiến triển theo hướng không khả quan.

Một bệnh nhân nam khác cũng sang Singapore chữa ung thư vòm họng bằng hoá chất liều cao. Tuy nhiên, khi về nước điều trị, trong hồ sơ của ông không có báo cáo y tế và hướng dẫn xử lý khi gặp tình huống xấu. Hậu quả là sau đó, bệnh nhân phải cấp cứu trong tình trạng viêm cơ tim, hoại tử cơ tim, dẫn tới tử vong.

Mỗi ca phẫu thuật bằng robot mổ nội soi có chi phí khoảng 100 triệu đồng. Ảnh: Phượng Hằng
Mỗi ca phẫu thuật bằng robot mổ nội soi có chi phí khoảng 100 triệu đồng. Ảnh: Phượng Hằng

Bác sĩ Hiệp cho biết, bệnh nhân ung thư trước khi quyết định ra nước ngoài điều trị cần cân nhắc kỹ bởi sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Do lạ nước lạ cái, họ có nguy cơ bị lừa hoặc gặp phải bác sỹ tắc trách. Rào cản ngôn ngữ cũng khiến bệnh nhân không nhận được đầy đủ hướng dẫn từ nhân viên y tế, dễ hiểu sai.

Trong khi đó, chi phí chữa trị ở nước ngoài thường đắt hơn trong nước ít nhất 2-3 lần. Bác sĩ Hiệp đưa ra ví dụ, một ca phẫu thuật ung thư phổi ở Singapore có giá 440 triệu đồng, trong khi làm ở Vinmec - một bệnh viện tư cao cấp - giá chỉ 40 triệu đồng. Giá xét nghiệm sinh thiết ở Vinmec là 4 triệu đồng, trong khi ở Singapore khoảng hơn 40 triệu.

Với việc phẫu thuật não bằng dao gamma quay, chi phí ở Mỹ là 300-500 triệu đồng, trong khi giá ở Bệnh viện Bạch Mai là 45-50 triệu. Nếu tính cả tiền vé máy bay, tiền giường bệnh, đưa đón, phiên dịch, thuê nhà, đi lại..., khoảng cách chi phí giữa điều trị trong và ngoài nước lại càng xa.

Việt Nam chữa ung thư không thua nước ngoài

Theo PGS Phạm Duy Hiển - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K, khả năng chẩn đoán, điều trị ung thư của Việt Nam có thể sánh ngang các nước y học phát triển trong khu vực. Hầu hết các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới chúng ta đều có thể thực hiện.

Hệ thống rôbốt nội soi  giá 87 tỷ đồng của Bệnh viện Nhi Trung ương.  Ảnh: Phượng Hằng
Hệ thống rôbốt nội soi giá 87 tỷ đồng của Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Phượng Hằng

“Về chẩn đoán, chúng ta có máy PET/CT để chẩn đoán giai đoạn và theo dõi điều trị, máy chụp cắt lớp đa lá, máy MRI cổng từ hoặc cổng từ phổ, máy X-quang số hóa xóa nền, tăng sáng. Chúng ta đã có các phòng xét nghiệm mô bệnh, gene, protein, sinh học phân tử hiện đại. Về xạ trị, chúng ta có các máy gia tốc kể cả loại đa lá, dao xạ phẫu Cyber Knife hay Gamma Knife giúp loại bỏ khối u an toàn, chính xác. Về hóa trị, mọi loại thuốc chữa ung thư trên thế giới, chúng ta đều có thể nhập và dùng” - PGS Hiển nói và khẳng định, tay nghề phẫu thuật ung thư của bác sỹ Việt Nam cũng rất tốt do được rèn luyện nhiều.

Một trong những thiết bị phẫu thuật hiện đại nhất thế giới hiện nay - robot mổ nội soi - đã có mặt tại Trung tâm Phẫu thuật nội soi, Bệnh viện Nhi Trung ương. TS Phạm Duy Hiền - Giám đốc trung tâm - cho biết, chiếc máy giá 87 tỷ đồng này có thể ứng dụng điều trị nhiều loại ung thư với các ưu điểm vượt trội: Camera 3D cho hình ảnh rõ nét, góc camera được điều chỉnh dễ dàng nên bác sỹ dễ quan sát khối u để loại bỏ; dụng cụ của robot có góc quay 540 độ nên luồn lách được vào những khu vực nhỏ, hẹp để cắt u.

“Nhược điểm của nó là chi phí quá đắt. Riêng găng tay robot dùng một lần giá 11 triệu, panh giá hơn 200 triệu chỉ dùng tối đa 18 lần. Chi phí cho mỗi ca mổ là khoảng 100 triệu đồng” - TS Hiền nói.

Các chuyên gia đều thừa nhận, cái mà Việt Nam thua kém Singapore hay Thái Lan trong điều trị ung thư chính là chất lượng chăm sóc do tình trạng quá tải. Đây là lý do bệnh nhân có điều kiện thường ra nước ngoài. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các bệnh viện tư chất lượng cao gần đây đã phần nào lấp lỗ hổng này, giúp bệnh nhân được hưởng dịch vụ tốt mà không phải xuất ngoại.

Ngoài yếu tố “sang chảnh”, việc đầu tư vào công nghệ tân tiến nhất thế giới cũng là xu hướng của các bệnh viện tư - mà Vinmec là một ví dụ. Theo bác sỹ Đoàn Trung Hiệp, tất cả các phương pháp điều trị ung thư hiện đại đều được triển khai ở đây, bao gồm cả công nghệ tế bào và tế bào gốc, liệu pháp miễn dịch tự thân vốn rất mới mẻ ngay cả với thế giới.

Máy xạ trị gia tốc tuyến tính Linac Varian Clinac iX của Vinmec có thể thực hiện mọi kỹ thuật xạ trị hiện đại nhất.
Máy xạ trị gia tốc tuyến tính Linac Varian Clinac iX của Vinmec có thể thực hiện mọi kỹ thuật xạ trị hiện đại nhất.

Máy xạ trị gia tốc tuyến tính Linac Varian Clinac iX của Vinmec có thể thực hiện mọi kỹ thuật xạ trị hiện đại nhất, bao gồm cả kỹ thuật xạ 4D và đồng bộ hóa nhịp thở sẽ được ứng dụng vào quý III/2016. Bác sỹ Hiệp giải thích, khi thở, vị trí khối u thường thay đổi. Kỹ thuật xạ kể trên cho phép xử lý khối u tại địa điểm di chuyển tới, giúp tăng tính chính xác, giảm liều chiếu vào mô lành.

Tại sao với khả năng chẩn đoán, điều trị tốt nhưng tỷ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam vẫn cao? Theo PGS Hiển, lý do là đa số các ca ung thư ở Việt Nam đều phát hiện muộn. Lúc này, việc điều trị chỉ giúp kéo dài sự sống chứ không chữa khỏi được ung thư.