Hiện nay, nhóm tác giả đang xây dựng kế hoạch hoàn thiện sản phẩm để có thể thương mại hóa được kết quả nghiên cứu khoa học của mình. ThS. Lê Thị Thanh Tuyền cho biết thêm, bộ kít được chế tạo bằng công nghệ không phức tạp, sẵn có trong nước.

Tại Việt Nam, ung thư gan (UTG) là bệnh khá phổ biến và có tỉ lệ tử vong rất cao. Trong khi đó, phần lớn trường hợp bệnh được phát hiện khi đã muộn, thời gian sống trung bình không quá một năm. UTG khó nhận biết sớm do triệu chứng nghèo nàn và người bệnh dễ chủ quan bỏ qua nên khi phát hiện thì khối u đã lớn. Đa số trường hợp UTG phát triển chậm, giai đoạn tăng trưởng không triệu chứng có thể kéo dài nhiều năm.

Hiện nay, tại Việt Nam số lượng bệnh nhân mắc và nguy cơ mắc UTG ngày càng tăng. Chính vì vậy, nhu cầu kiểm soát, chẩn đoán sớm bệnh nhờ vào các dấu hiệu nhận biết và định lượng chỉ thị sinh học (biomarker) là rất lớn. Tuy nhiên, hiện ở trong nước chưa có một nghiên cứu nào được thực hiện về việc chế tạo các bộ kít sinh học dựa trên cấu trúc sợi nano để phát hiện các biomarker, dùng để chẩn đoán ung thư.

Từ năm 2006, Phòng thí nghiệm Công nghệ nano (PTN CNNN) đã khởi động các nghiên cứu về ứng dụng công nghệ nano trong chế tạo cảm biến sinh học từ các đề tài nghiên cứu khoa học cấp đại học quốc gia đến cấp nhà nước. Từ tháng 1/2012 – 4/2015, PTN CNNN đã thực hiện tiếp đề tài KHCN trọng điểm cấp nhà nước KC.04.07/11-15 “Nghiên cứu và chế tạo bộ kít nano sinh học để chẩn đoán bệnh UTG”.

Sau 4 năm nghiên cứu, nhóm tác giả đã đưa ra một phương pháp chế tạo hoàn toàn mới bộ kít sợi nano silic, có kích thước và tính chất phù hợp cho việc sử dụng làm cảm biến chất chỉ thị UTG. Quy trình công nghệ kết hợp giữa phương pháp lắng đọng và ăn mòn dưới góc nghiêng – DEA và phương pháp khử hai lần.

Các chíp sợi nano silic chế tạo ra được kiểm tra tính chất điện bằng thiết bị đo đặc tuyến I – V và được biến đổi bề mặt qua các bước để gắn thụ thể biomarker UTG. Chip sau khi biến đổi thành công sẽ dùng phát hiện các biomarker trong huyết thanh của bệnh nhân. Các thí nghiệm đo trong mẫu huyết thanh người bệnh tại Bệnh viện Ung bướu Tp.HCM so với các thiết bị khác cho thấy, chip do nhóm nghiên cứu chế tạo phát hiện ổn định AFP ở nồng độ 100ng/ml, với độ lặp lại khá tốt.

ThS. Lê Thị Thanh Tuyền – Chủ nhiệm đề tài cho biết, bộ kit cảm biến sinh học sợi nano silic chế tạo trong đề tài này có khả năng phân tích cùng lúc các biomarker ở ngưỡng phát hiện bệnh UTG. Do vậy hoàn toàn có thể ứng dụng tại các cơ sở y tế trong trường hợp độ tin cậy của sản phẩm được nâng cao hơn.

Với kích thước nhỏ gọn, bộ kít đặc biệt thích hợp cho việc trang bị ở các bệnh viện tuyến dưới. Hiện nay, nhóm tác giả đang xây dựng kế hoạch hoàn thiện sản phẩm để có thể thương mại hóa được kết quả nghiên cứu khoa học của mình. ThS. Lê Thị Thanh Tuyền cho biết thêm, bộ kít được chế tạo bằng công nghệ không phức tạp, sẵn có trong nước. Sau khi hoàn chỉnh nâng cao độ tin cậy, sẽ mở ra hướng phát triển sản phẩm chấn đoán bệnh UTG phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam.