Uống khi đói hoặc ngay sau khi ăn, pha trà với nước đang sôi là những thói quen uống trà của nhiều người có thể gây hại sức khỏe.

Nhiều người có thói quen uống trà ngay sau khi thức dậy để kích thích sự tỉnh táo, tăng cường năng lượng. Mặc dù mang lại sự kích thích tích cực cho não bộ, uống trà sai cách có thể gây ra một số vấn đề tiêu cực tới sức khỏe. Dưới đây là một số sai lầm phổ biến mà hầu hết mọi người đều mắc phải khi uống trà.

Uống trà khi đói

Theo Boldsky, uống trà khi dạ dày trống rỗng làm tăng mức độ axit trong cơ thể, dẫn đến gia tăng các gốc tự do, đồng thời gây lão hóa nhanh chóng.Bạn nên uống nước lọc ngay khi thức dậy, khoảng 30 phút sau mới có thể uống trà.

Sai lam pho bien khi uong tra nhieu nguoi mac phai hinh anh 1
Nhiều người có thói quen uống trà ngay khi mới thức dậy. Ảnh:Teamajesty.

Uống trà ngay sau bữa ăn

Thói quen phổ biến của nhiều người là uống trà ngay sau khi ăn. Tuy nhiên, trà có chứa nhiều axit tannic, hợp chất có thể phản ứng với sắt, ngăn chặn sự hấp thụ các chất dinh dưỡng trong thực phẩm mà bạn vừa tiêu thụ.

Cách uống trà đúng nhất là 30 phút sau bữa ăn. Điều này sẽ hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả.

Pha trà với nước đang sôi

Nhiều người thường đun sôi nước và bỏ trà vào ngay lúc nước đang sôi và nghĩ điều đó sẽ giúp làm chín trà nhanh hơn. Tuy nhiên, thói quen này lại gây ra nồng độ axit cao trong dạ dày.

Cách chính xác để pha trà là đun sôi ấm nước, sau đó đặt ra ngoài bếp rồi bỏ trà vào trong ấm.

Thêm các loại thảo mộc vào trà

Một số người nghĩ rằng thêm thảo mộc vào trà sẽ tốt hơn cho sức khỏe. Tuy nhiên, điều này vô tình khiến hàm lượng caffeine trong trà ngăn cản cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng có trong thảo mộc.

Uống trà quá nhiều

Tiêu thụ quá nhiều hàm lượng caffeine trong trà có thể dẫn đến bồn chồn, lo lắng, tăng nhịp tim. Bên cạnh đó, dù có tính lợi tiểu, bổ sung caffeine quá mức (khoảng 300 mg caffeine tương đương với 6 cốc trà) mỗi ngày có thể khiến bạn bị gián đoạn giấc ngủ và mệt mỏi.