Nghệ không chỉ được sử dụng phổ biến làm gia vị tạo màu cho các món ăn mà còn có tác dụng rất lớn đến sức khỏe của con người như chống ung thư, chữa bệnh viêm khớp, viêm loát dạ dày, đẹp da…

Cây nghệ con bắt đầu nhú mầm.
Cây nghệ con bắt đầu nhú mầm.

1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và giống

Dụng cụ trồng

Bạn có thể tận dụng những dụng cụ có sẵn như khay, chậu, bao xi măng, thùng xốp hoặc mảnh đất trống ở nhà để trồng nghệ. Lưu ý, những dụng cụ trồng phải đục lỗ dưới đáy để cây không bị úng nước.

Đất trồng

Cũng giống như gừng, nghệ ưa đất tơi xốp, nhiều mùn và thoát nước tốt. Bạn có thể mua sẵn hoặc trộn đất với vỏ trấu, xơ dừa, phân bò, phân gà, phân chim, vịt ngan ngỗng, phân cá, phân trùn quế…

Chọn nghệ giống

Củ nghệ làm giống phải là củ to, không có sâu bệnh, không bị dập nát. Với những củ có nhiều nhánh thì phải tách nhỏ ra. Củ nghệ giống bạn có thể mua ở chợ hoặc siêu thị.

Cây nghệ trồng tương đối đơn giản.
Cây nghệ trồng tương đối đơn giản.

2. Trồng nghệ

Đào hốc sâu 20-25cm, mỗi hốc đặt một khúc nghệ giống. Khoảng cách cây cách cây là 20-25cm, hàng cách hàng khoảng 30-35cm.

Sau khi đặt nghệ thì phủ lên một lớp đất mỏng rồi lấy rơm rạ phủ lên trên. Chú ý tưới nước cho đủ ấm để củ nghệ nhanh nảy mầm. Sau khoảng một tuần mầm nghệ bắt đầu nhú lên. Chúng ta có thể để nguyên lớp rơm rạ vì mầm nghệ mọc khá khỏe. Khi nghệ bắt đầu nhú ra khỏi mặt đất thì nên kiểm tra thường xuyên để xử lý các mầm hỏng. Nếu có cây thối thì phải kịp thời thay cây mới.

Tự tay trồng là cách tốt nhất để có nghệ sạch sử dụng. Ảnh minh họa.
Tự tay trồng là cách tốt nhất để có nghệ sạch sử dụng. Ảnh minh họa.

3. Chăm sóc

Cần giữ ẩm cho đất sau trồng, đặc biệt là tháng đầu tiên. Tuy nhiên không để nghệ bị úng ngập sẽ gây thối củ, tỷ lệ chết cao.

Để củ có thể phát triển tốt, sau khi cây nghệ mọc khoảng 20-25 ngày (nghệ đã có khoảng 6 lá) thì bón lọt đợt đầu tiên bằng phân hữu cơ, phân bò, phân dê, phân gà, phân trùn quế… cho nghệ. Sau đó tiến hành vun gốc để tạo độ xốp cho đất, kích thích cây phát triển nhanh. Cứ khoảng 1 tháng lại tiến hành bón thúc cho nghệ 1 lần.

Nếu lá nghệ phát triển quá nhanh thì nên cắt bỏ một số lá, giảm bớt nước tưới để làm hạn chế sự ra lá. Sau khi cây phát triển chậm lại thì tiếp tục tưới ẩm, vun gốc để đất tơi xốp.

Củ nghệ được xem là
Củ nghệ được xem là "thần dược" chữa bệnh. Ảnh minh họa.

4. Thu hoạch

Nếu nghệ không thấy lá non mọc ra, các lá già bắt đầu khô lại, ngả màu vàng nhạt, khi đào lên thấy vỏ củ nghệ ngả màu vàng sẫm, da đã bắt đầu bóng là lúc có thể thu hoạch được. Khi đào phải nhẹ tay để tránh làm trầy củ tạo vết thương và sâu bệnh dễ xâm nhập.