Phụ nữ ngày nay có xu hướng sống lâu hơn nam giới, ngay cả trong những thời điểm xảy ra nghịch cảnh.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Nam Đan Mạch và Đại học Duke (Mỹ) phát hiện phụ nữ không chỉ sống lâu hơn nam giới ở những thời điểm bình thường, họ còn có khả năng sống sót cao hơn trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất, chẳng hạn như nạn đói và dịch bệnh. Kết quả nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS) hôm 8/1.

Ngay cả khi tỷ lệ tử vong ở cả hai giới rất cao, phụ nữ vẫn sống lâu hơn nam giới từ 6 tháng đến gần 4 năm. Ảnh: Getty.
Ngay cả khi tỷ lệ tử vong ở cả hai giới rất cao, phụ nữ vẫn sống lâu hơn nam giới từ 6 tháng đến gần 4 năm. Ảnh: Getty.

Nhóm nghiên cứu phân tích số liệu tử vong của những người bị rút ngắn tuổi thọ do nạn đói, bệnh tật hoặc gặp phải những tai hoạ khác. Đối tượng nghiên cứu của họ bao gồm những người từng là nô lệ ở Trinidad và Mỹ vào đầu thập niên 1800, nạn nhân bị đói ở Thụy Điển, Ireland, Ukraine từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20, những người Iceland chịu ảnh hưởng của dịch bệnh sởi năm 1846 và năm 1882.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, ngay cả khi tỷ lệ tử vong ở cả hai giới rất cao, phụ nữ trung bình vẫn sống lâu hơn nam giới từ 6 tháng đến gần 4 năm.

Khi các nhà khoa học phân tích dữ liệu theo nhóm tuổi, họ nhận thấy hầu hết lợi thế sống sót của phụ nữ bắt nguồn từ sự khác biệt về tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh gái có khả năng chịu đựng nghịch cảnh tốt hơn so với sẻ sơ sinh trai.

Các bé gái sinh ra trong thời kỳ nạn đói ở Ukraine vào năm 1933 có tuổi thọ trung bình là 10,85 năm, trong khi đó các bé trai chỉ là 7,3 năm.

Theo nhóm nghiên cứu, sự khác biệt về hành vi và yếu tố xã hội – chẳng hạn như sự liều lĩnh hoặc bạo lực – không thể lý giải đầy đủ tuổi thọ trung bình của nam và nữ. Thay vào đó, lợi thế của phụ nữ trong thời kỳ khủng hoảng có thể chủ yếu là do các yếu tố sinh học như di truyền hoặc hormone. Ví dụ, hormone estrogen của phụ nữ có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, giúp chống lại các bệnh truyền nhiễm.