Các nhà khoa học Mỹ khẳng định vi khuẩn đường ruột thường vô hiệu hóa các loại thuốc mà chúng ta sử dụng trước khi thuốc kịp phát huy được tác dụng, và kêu gọi các chuyên gia dược phẩm xem xét lại cách thức bào chế và phương thức đưa thuốc vào cơ thể.

Vi khuẩn trong ruột có thể 'ăn' hoặc chuyển hóa các loại thuốc như thuốc thay thế dopamine trong điều trị Parkinson, khiến thuốc kém hiệu quả hơn - Ảnh: Shutterstock
Vi khuẩn trong ruột có thể 'ăn' hoặc chuyển hóa các loại thuốc như thuốc thay thế dopamine trong điều trị Parkinson, khiến thuốc kém hiệu quả hơn - Ảnh: Shutterstock

Theo The Daily Mail, các nhà khoa học ở Đại học Harvard, Mỹ, khẳng định rằng người dân Mỹ chi hàng trăm tỉ USD để mua thuốc mỗi năm, nhưng con số đó không đảm bảo rằng các loại thuốc dùng sẽ có hiệu quả.

Các loại thuốc thường không hiệu quả 100% do dựa trên một loạt các yếu tố, bao gồm các loại thuốc khác, trọng lượng cơ thể… Bất kỳ loại thuốc nào được sử dụng qua đường uống - dưới dạng thuốc viên, viên nang hoặc thuốc nước đều phải đi qua hệ tiêu hóa. Nhưng để đạt được mục tiêu nằm ngoài đường tiêu hóa, thuốc phải được thiết kế để chống lại những nỗ lực của cơ thể con người để tiêu hóa thuốc.Hơn nữa, mới đây, các nhà khoa học xác định rằng vi khuẩn đường ruột giúp con người tiêu hóa thức ăn nhưng đồng thời cũng làm giảm hiệu quả của các loại thuốc. Họ cảnh báo rằng vi khuẩn đường ruột thường vô hiệu hóa các loại thuốc mà chúng ta sử dụng trước khi thuốc kịp phát huy được tác dụng.

Sau khi khám phá ra cách thức vi khuẩn hoạt động với thuốc điều trị bệnh suy tim, các nhà khoa học đã chứng minh điều này qua các loại thuốc điều trị bệnh Parkinson. Các nhà khoa học đã kiểm tra phát hiện trên qua ví dụ về L-dopa, còn được gọi là levodopa và L -3,4-dihydroxyphenylalanine, một tác nhân thay thế một phần dopamine trong não của bệnh nhân mắc bệnh Parkinson. Hóa ra, tùy thuộc vào đặc điểm của hệ vi sinh đường ruột, nồng độ dopamine trong cơ thể của người dùng thuốc rất khác nhau. Thuốc có tác dụng thay thế một số chất dẫn truyền thần kinh trong não của bệnh nhân, nhưng nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng chỉ rất ít thuốc thực sự vượt qua hàng rào máu não và đạt được mục tiêu, vì vậy, liều lượng phải cao và hiệu quả điều trị không như mong đợi.

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng thuốc kháng sinh ngăn chặn thành công quá trình phá hủy dopamine trong cơ thể. Còn quá trình hủy hoại dopamine được các nhà khoa học xác đinh chính xác là do hệ vi khuẩn đường ruột. Kiến thức này cung cấp cho các nhà khoa học một công cụ để phát triển khả năng bảo vệ tốt hơn của loại thuốc quan trọng chống lại sự trao đổi chất ở ruột.

Vì vậy, các chuyên gia kêu gọi sửa đổi quan điểm về bào chế thuốc và phương thức đưa thuốc vào cơ thể với hy vọng phát triển được các phân tử mới có thể ngăn chặn các loài vi khuẩn cụ thể “ăn” L-dopa và tạo ra một phiên bản thuốc hiệu quả hơn.