Bi kịch của những người phụ nữ bị huỷ hoại vẻ đẹp cơ thể, chịu đau đớn và thậm chí mất cả mạng sống vì phát hiện ung thư vú muộn là điều thôi thúc nhà giáo Võ Thị Thương Lan tìm tòi để chế tạo bộ kit chẩn đoán sớm ung thư vú.

Lối rẽ của đam mê

Gọi điện hẹn mấy lần, tôi mới gặp được PGS-TS Võ Thị Thương Lan - Trưởng phòng Thí nghiệm sinh - y, khoa Sinh học, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội - người luôn tất bật với những giờ lên giảng đường, với những thảo luận nghiên cứu của sinh viên và của chính mình.

PGS-TS Võ Thị Thương Lan (giữa) đang hướng dẫn sinh viên làm thí nghiệm. Ảnh: NVCC
PGS-TS Võ Thị Thương Lan (giữa) đang hướng dẫn sinh viên làm thí nghiệm. Ảnh: NVCC

Người phụ nữ đã cống hiến mấy chục năm cho việc nghiên cứu và giảng dạy sinh học nhớ lại bước ngoặt về con đường học thuật và đam mê của mình như mới hôm qua: “Thời đại học, tôi là sinh viên khoa Vật lý Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cuối năm thứ ba, tình cờ một hôm người bạn giới thiệu có buổi seminar thú vị bên khoa Sinh. Cũng vì tò mò mà tôi đăng ký tham dự. Hôm đó các thầy nói về hướng nghiên cứu lý - sinh - tức là vật lý phục vụ sinh học, rằng có nhiều hiện tượng sinh học cần phải dùng đến kiến thức vật lý để giải thích. Điều các thầy nói quá hấp dẫn, kích thích sự tò mò và ham muốn khám phá trong tôi. Thế là tôi quyết định xin chuyển từ khoa Vật lý sang khoa Sinh học mà không chút đắn đo, do dự”.

Càng đi sâu vào nghiên cứu sinh học, cô sinh viên ngày nào càng nhận ra rằng quyết định của mình là đúng đắn và sáng suốt, bởi đây luôn là thế giới kỳ diệu, lý thú mà bà muốn khám phá không ngừng. Sau 5 năm làm luận án tiến sỹ ở Thụy Sỹ, rồi 5 năm làm nghiên cứu sau tiến sỹ ở Nhật Bản, PGS Thương Lan quyết định quay về làm việc ở khoa Sinh học, Đại học Tự nhiên - nơi bà từng học tập - để truyền đạt những kiến thức tuyệt vời mình tích cóp được cho các thế hệ học sinh. Theo bà, đây là nơi mà nhiều người cần đến mình nhất.

Là một cô giáo khắt khe, khó tính, đòi hỏi cao trong mắt học trò, ít ai ngờ rằng tâm trạng lo lắng lại hiện diện khá thường xuyên trong con người PGS Thương Lan. Bà tâm sự: “Tôi là người hay lo - nhất là lo hỏng việc trong nghiên cứu, thí nghiệm, vì hỏng thì mình dễ nhụt chí. Nếu hỏng đến lần thứ hai, có thể mình sẽ không còn tin vào chính mình nữa. Chính vì thế tôi làm cái gì cũng cẩn thận, xem xét vấn đề kỹ càng và tôi muốn sinh viên cũng như vậy”.

Trăn trở tìm cách phát hiện ung thư

Sự gia tăng của bệnh ung thư và thực tế xót xa rằng phần lớn trường hợp ung thư ở Việt Nam được chẩn đoán ở giai đoạn muộn khiến PGS Thương Lan hướng đến việc tiếp cận cách phát hiện sớm căn bệnh nan y này mà thế giới đã tiến hành nghiên cứu. Sản phẩm “Bộ kit hỗ trợ chẩn đoán ung thư vú BRCA1-METHYL test” mà PGS Võ Thị Thương Lan triển khai gắn nhiều tìm tòi, nghiên cứu của bà với việc áp dụng dấu chuẩn thế hệ mới - dấu chuẩn methyl hoá BRCA1 để hỗ trợ chẩn đoán sớm và tiên lượng bệnh ung thư vú.

“Ngày nay, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư rất cao. Bệnh ung thư hiện vẫn chưa có thuốc chữa, nhưng nếu được chẩn đoán sớm thì sẽ thuận lợi rất nhiều trong điều trị. Dân mình có mấy ai đi khám để phát hiện ung thư đâu, thường bị ung thư rồi mới đi khám. Tôi rất đau đáu với điều này, nghĩ mình phải làm một cái gì đó hỗ trợ cho người dân phát hiện bệnh sớm”.

PGS Thương Lan cho biết, nhiều trường hợp đi khám, xét nghiệm đã có kết luận âm tính với ung thư vú, nhưng thực ra vẫn đang mang mầm mống bệnh này do có biến đổi methyl hoá ở gene BRCA1 (đây không phải đột biến di truyền, mà xuất hiện do tác động của các điều kiện bên ngoài). Nếu phát hiện sớm, y học có thể can thiệp để sửa chữa lỗi này trước khi bệnh ung thư vú xuất hiện.

Phát hiện BRCA1 bị methyl hoá cũng có thể được ứng dụng cho những bệnh nhân ung thư vú đã điều trị bằng phẫu thuật và các phương pháp khác để đánh giá nguy cơ bệnh tái phát. Ở những bệnh nhân sau điều trị, nếu có hiện tượng BRCA1 bị methyl hoá thì sẽ có nguy cơ cao bị tái phát bệnh sau 1-2 năm nữa. Việc biết trước sẽ giúp can thiệp sớm để khống chế tiến trình bệnh.

Chia sẻ thêm về sản phẩm, bà cho biết: “Bộ kit chúng tôi đang làm có độ trễ không nhiều so với thế giới. Ở nước ngoài, bộ kit có chức năng tương tự cũng chưa được thương mại hóa, chỉ mới dừng lại ở việc nghiên cứu thử nghiệm như chúng tôi”. Hiện nay, trăn trở lớn nhất của nhà giáo, nhà khoa học nữ nhiệt huyết này là tìm được nguồn đầu tư và sự phối hợp của ngành y tế để phát triển bộ sinh phẩm BRCA1-METHYL test nhằm sớm đưa vào sản xuất thương mại, phục vụ cho người dân. Nếu sớm được thực hiện, sẽ có nhiều phụ nữ Việt Nam thoát khỏi căn bệnh quái ác nhờ can thiệp kịp thời.


Khắt khe để không sinh viên nào thất nghiệp

Phòng Thí nghiệm sinh - y nơi PGS-TS Võ Thị Thương Lan đang công tác - được mệnh danh là địa chỉ tin cậy cung cấp những sinh viên có tay nghề cao cho các bệnh viện, viện nghiên cứu. “Chúng tôi không có sinh viên thất nghiệp khi ra trường. Có nhiều đơn đặt hàng xin người từ các bệnh viện mà chúng tôi không đáp ứng được” - PGS Lan nói đầy tự hào. “Các cụ ta có câu “trăm hay không bằng tay quen”, các em phải được làm, thực hành thường xuyên thì mới thành thạo, rút ra được kinh nghiệm, nâng cao được tay nghề và tự tin”.

Chính vì vậy sau gần 10 năm thành lập, phòng chỉ mới cho ra lò 62 sinh viên. Một phần lý do dẫn đến con số khiêm nhường này là PGS Lan luôn đòi hỏi cao trong cả quá trình học và thực nghiệm. “Rất khó tìm thấy ở trường nào sinh viên đã tuyển vào rồi lại bị loại, nhưng ở phòng Thí nghiệm sinh - y, nghiên cứu sinh cũng bị loại nếu không đáp ứng được các tiêu chí đề ra” - PGS Thương Lan cho biết.

Một ngày làm việc của bà thường kết thúc vào khoảng 19-19h30. Ngày nào cũng như ngày nào, bà luôn bên cạnh hướng dẫn sinh viên làm từng thao tác nhỏ, cẩn thận và tỉ mỉ. “Công việc của chúng tôi chỉ là cầm tay chỉ việc, toàn những việc nho nhỏ chứ không có gì là cao siêu, ghê gớm cả. Chúng tôi dạy các em cách làm việc, cách tư duy, quan trọng là dạy các em cái nghề”.

Sự tận tâm, ân cần đó của PGS Lan khiến nhiều sinh viên ra trường - dù đã có vị trí quản lý ở đơn vị công tác hay vẫn đang tìm cách khẳng định mình - đều thường xuyên trở lại thăm cô giáo cũ. Sự quyến luyến đó được học viên Nguyễn Thu Trang - đang làm thạc sỹ tại phòng Thí nghiệm sinh - y - lý giải: “Cô Lan rất tình cảm và thương yêu sinh viên. Cô quan tâm tỉ mỉ tới từng người trong phòng, từ công việc, hoàn cảnh đến những khó khăn trong cuộc sống. Bất kể khi nào, bạn nào cần cũng có thể tâm sự với cô”.

PGS Lan cũng chia sẻ với đôi mắt ánh lên vẻ hạnh phúc: “Tôi vẫn thường nhận được những lời chia sẻ của học trò cũ. Các em khi gặp khó khăn hay niềm vui cũng gọi hay viết thư cho tôi. Tôi cảm thấy đó là những gì quý giá nhất đối với một nhà giáo”.

PGS-TS Võ Thị Thương Lan sinh năm 1961 tại Hà Tĩnh. Hiện bà là Trưởng phòng Thí nghiệm sinh - y , Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Bà đã tham gia 2 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước và có nhiều bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế. Với công trình nghiên cứu “Bộ kit hỗ trợ chẩn đoán ung thư vú BRCA1-METHYL test”, PGS-TS Võ Thị Thương Lan đã được tôn vinh là một trong 4 nhà khoa học nữ tiêu biểu của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2015.