Nếu chỉ giỏi chuyên môn mà không hiểu tâm tư người bệnh, nhất là tâm lý sợ xấu đến mức trì hoãn điều trị của phụ nữ, PGS-TS Trần Ngọc Lương đã không trở thành tác giả của phương pháp mổ tuyến giáp tránh gây sẹo cổ khiến nhiều chuyên gia nước ngoài phải đến học hỏi.

Làm giám đốc vẫn không rời dao mổ

Chúng tôi gặp PGS-TS Trần Ngọc Lương - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương - chỉ vài phút sau khi ông rời phòng mổ. Là lãnh đạo bệnh viện nhưng ông vẫn dành thời gian phẫu thuật, tham gia hỗ trợ bác sĩ trẻ trong những ca mổ nội soi nhằm giúp họ nâng cao tay nghề. Với họ - cũng như thực tập sinh ở bệnh viện, ông là người thầy, người chú luôn quan tâm đến việc trau dồi cho thế hệ thầy thuốc của tương lai.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề thầy thuốc, PGS-TS Trần Ngọc Lương không cảm thấy mệt với guồng quay công việc bất tận. “Lâu rồi thành quen ấy mà. Thời gian rảnh nỗi gần như không có, hết thăm khám, điều trị đến đào tạo, hội thảo, công tác, nghề nó vậy” - ông nói qua quýt như thể không muốn kể nhiều về cá nhân mình. Thế nhưng, bệnh nhân của ông lại không muốn dứt lời khi kể về vị bác sĩ đã chữa bệnh cho họ.

“Bác Lương không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có tài quản lý. Tôi rất ấn tượng khi đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương chữa bệnh vì thái độ của các y bác sĩ đều rất nhẹ nhàng, chu đáo. Riêng bác Lương thì luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới các bệnh nhân nghèo hay đến từ vùng sâu, vùng xa” - bà Trần Thu Giang, 34 tuổi, sống ở khu Mỹ Đình - Sông Đà (Hà Nội) - người từng được PGS-TS Lương điều trị - bày tỏ. Chị gái bà sống ở Singapore bị u tuyến giáp, tình cờ biết phương pháp phẫu thuật đặc biệt của PGS Lương khi ông sang công tác ở Singapore. Người phụ nữ này đã về Việt Nam để được ông điều trị. Sau đó, đến lượt bà Giang cũng phát hiện có bệnh tuyến giáp.

Được chị giới thiệu, bà cũng tìm đến nơi PGS Lương công tác và được tư vấn về Việt Nam chữa trị và đã được chữa khỏi bệnh. “Tôi được phẫu thuật cách đây 5 tháng, đến nay sức khỏe hoàn toàn bình thường; vui nhất là trên cổ không hề có sẹo” - bà Thu Giang nói.

Giúp bệnh nhân hết sợ xấu để điều trị sớm

Phương pháp phẫu thuật áp dụng cho chị em bà Trần Thu Giang là kết quả của “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lý tuyến giáp” - một trong những đề tài nổi bật nhất của KC.10 - chương trình khoa học - công nghệ trọng điểm cấp nhà nước về y - dược học. Nét độc đáo của kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp mà PGS Lương phát triển chính là mổ theo đường ngực và nách, thay vì ở cổ như phương pháp phẫu thuật truyền thống.

PGS-TS Trần Ngọc Lương cho biết, ý tưởng về phẫu thuật nội soi tuyến giáp đã được ông ấp ủ từ năm 2005. Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, các trường hợp bướu cổ và mắc các bệnh lý tuyến giáp nói chung chiếm tỷ lệ không nhỏ. Trong số họ có rất nhiều phụ nữ - nhất là phụ nữ trẻ. Viễn cảnh phải chấp nhận một vết sẹo khá lớn trên cổ khiến không ít bệnh nhân nữ nấn ná, lần lữa chuyện phẫu thuật. Thời gian trì hoãn càng lâu, bệnh càng tiến triển nặng và việc chữa trị càng trở nên khó khăn, thậm chí nhiều khi là quá muộn. Hiểu tâm lý đó, PGS Lương tìm cách cải tiến phương pháp phẫu thuật tuyến giáp, giúp người bệnh tránh được nỗi ám ảnh về sẹo xấu để mổ kịp thời.

PGS-TS Trần Ngọc Lương tại phòng làm việcẢnh: TA
PGS-TS Trần Ngọc Lương tại phòng làm việc. Ảnh: TA

PGS Lương tiết lộ, thực tế không chỉ phụ nữ mới hân hoan khi biết đến phương pháp này. Nhiều bệnh nhân nam cũng không thoải mái khi nghĩ đến chuyện có vết sẹo lớn ở cổ và việc được mổ theo đường ngực, nách khiến họ hết phân vân khi phải cân nhắc điều trị. Đó là chưa kể kỹ thuật mổ nội soi giúp giảm tổn thương, bệnh nhân nhanh hồi phục và nhờ đó chi phí điều trị giảm đáng kể.

Mổ nội soi không phải kỹ thuật mới, nhưng là một sáng tạo đầy tính nhân văn, chứa đựng sự quan tâm, thấu hiểu của vị lương y khiến cho những gì bệnh nhân nhận được trở thành lớn lao. Họ không chỉ được chữa khỏi bệnh hiểm trên cơ thể mà còn được bảo vệ, chăm sóc về mặt tinh thần, chất lượng sống. Đó là lý do mà ngay cả những cường quốc về y học như Singapore, Thái Lan, Australia, Bồ Đào Nha… cũng cử chuyên gia sang học phương pháp của PGS Lương. Sắp tới, Ấn Độ, Cuba cũng sẽ được chuyển giao kỹ thuật này.

Dĩ nhiên, người được hưởng lợi trước tiên từ kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp theo đường ngực và nách của PGS Lương là các bệnh nhân người Việt. Trong 3 năm qua, đã có hơn 4.500 người được điều trị bằng phương pháp này. Trong thời gian tới, PGS-TS Trần Ngọc Lương sẽ tiếp tục nghiên cứu để mở rộng chỉ định cho những bệnh nhân bị bướu cổ to, bệnh nhân ung thư ở giai đoạn đang di căn.

Càng có tuổi càng muốn cống hiến

Chứng kiến tình cảm mà bệnh nhân dành cho mình, PGS-TS Trần Ngọc Lương luôn tâm niệm, không có gì hạnh phúc hơn là được thấy họ sớm tai qua nạn khỏi. “Gần đến tuổi về hưu, nhưng tôi vẫn muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho ngành y. Chứng kiến người bệnh hồi phục, đó vừa là niềm vui vừa là động lực thúc đẩy bản thân nỗ lực hơn”.

Mấy thập kỷ làm thầy thuốc, PGS Lương không thể tránh khỏi những lần xót xa vì bệnh nhân không thắng được bệnh tật: “Đó là hạn chế của y tế nói chung và đó cũng là một động lực để những người làm bác sỹ như tôi luôn nỗ lực cống hiến hết khả năng có thể để ngày càng có nhiều tiến bộ y học ra đời”.

Trăn trở với nghề, ông cho rằng khi nói đến nghề y mọi người hay nhắc đến chữ tâm, nhưng chữa bệnh không thể chỉ có cái tâm, mà cái tài cực kỳ quan trọng. Bởi thế, người thầy thuốc phải trau dồi kiến thức, tay nghề suốt đời. Và cũng bởi thế, ông luôn tâm huyết với việc đào tạo bác sĩ trẻ, cổ vũ họ nghiên cứu khoa học. Bệnh viện Nội tiết Trung ương nơi ông lãnh đạo đã thành lập câu lạc bộ thầy thuốc trẻ để khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo. Theo PGS Lương, điều đó không chỉ giúp nâng cao vị thế của bệnh viện trong lòng bệnh nhân mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành y tế Việt Nam.