Tết đến xuân về, do thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống nhiều loại thực phẩm khác nhau, đi chơi nhiều… khiến cơ thể rất dễ mắc một số loại bệnh. Mỗi gia đình nên chuẩn bị một số thuốc thông dụng cho các thành viên.

Thuốc thông thường

Trong mỗi gia đình cần có một số loại thuốc cấp cứu thường ngày để khi có sự cố xảy ra chưa đến mức phải đi bệnh viện sẽ có thuốc để sử dụng như thuốc hạ sốt, giảm đau (paracetamol, efferalgan...), thuốc chống mất nước khi bị nôn (do say rượu), tiêu chảy thường do rối loạn tiêu hóa (oresol, smecta), thuốc chống say tàu xe (nếu phải đi tàu, xe) như một số cao dán.

Cũng nên chuẩn bị một số loại thuốc thông dụng như thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi (cloramphenicol 0,4%, sunfarin, nước muối sinh lý) để dùng khi bị đau mắt đỏ, sổ mũi hoặc ngạt mũi (nước muối sinh lý vệ sinh mũi, mắt sau khi đi ra đường trở về, nhất là các trẻ nhỏ).

Trong dịp Tết cũng nên chuẩn bị một số thuốc sát trùng như betadin, cồn 70 độ, băng dính... Riêng đối với thuốc kháng sinh thì không được mua dự phòng khi không có đơn của bác sĩ, bởi vì thuốc kháng sinh chỉ dùng để điều trị khi có bệnh nhiễm khuẩn và cũng tùy theo mức độ của bệnh, cũng như bệnh gì để dùng loại kháng sinh nào, chứ không thể dùng tự do được.

Thuốc bôi ngoài da, thuốc sát trùng, thuốc chống nhiễm khuẩn như: Cồn, oxy già, dung dịch muối loãng... đều rất cần thiết và cần có trong tủ thuốc nhà bạn dịp Tết. Ngoài ra, cần có thêm một vài miếng urgo phòng khi chế biến thức ăn bị đứt tay; Một số dụng cụ y tế (kéo, nhiệt kế); Các loại thuốc nhỏ mắt, thuốc nhỏ mũi, trà gừng… để phòng các trường hợp cần đến.

Những loại thuốc không thể thiếu trong ngày Tết

Mỗi gia đình nên chuẩn bị một số thuốc thông dụng cho dịp Tết (ảnh minh hoạ)

Các loại thuốc khác

Đối với những người có bệnh mãn tính, ngoài việc có sẵn các thuốc thông thường trên, cần lưu ý về việc bổ sung số lượng thuốc cho đầy đủ với bệnh của mình. Các thuốc này đương nhiên đã được bác sĩ kê đơn và người bệnh cần tuân thủ dùng.

Thuốc huyết áp: Các thuốc chống huyết áp thường dùng như nifedipin, amlodipin… có cơ chế là gây giãn mạch và từ đó làm hạ huyết áp, dùng tốt cho bệnh nhân có kèm đau thắt ngực, hiệu quả đối với bệnh nhân cao tuổi, không ảnh hưởng đến chuyển hóa đường, mỡ trong cơ thể.

Thuốc đái tháo đường: Các thuốc thường dùng như metformin, sulfonylurea… Cần lưu ý, đái tháo đường là một bệnh mạn tính, việc dùng thuốc gắn với người bệnh như cơm ăn, nước uống hàng ngày.

Thuốc bệnh mạn tính: như hen phế quản (hen suyễn), gia đình luôn luôn có đủ thuốc (mua theo đơn bác sĩ) tránh trường hợp khi lên cơn hen mà không có thuốc. Nếu đã được điều trị hen bằng thuốc vừa có tác dụng dự phòng vừa có tác dụng chữa cơn hen thì không được quên dùng thuốc hàng ngày.

Thuốc cho trẻ em: Dịp Tết bệnh thường gặp nhất ở trẻ là sốt, rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, tiêu chảy... nên trong tủ thuốc gia đình phải có thuốc điều trị những bệnh này. Đặc biệt, cần chuẩn bị trước thuốc hạ sốt, thuốc điều trị vấn đề tiêu hoá, thuốc bỏng, thuốc côn trùng cắn để có thể điều trị kịp thời.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để dùng thuốc an toàn trong dịp Tết, với các thuốc điều trị bệnh mãn tính, người bệnh cần tuân thủ đúng về số lần dùng và liều dùng theo chỉ định của bác sĩ. Đối với các thuốc thông thường (không cần phải kê đơn) trên, khi dùng, người bệnh cần hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ hay nhân viên y tế và cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc.

Thuốc mua dùng trong các ngày Tết cần mua loại còn hạn sử dụng và được bảo quản cẩn thận. Trong tủ thuốc gia đình cần phân loại thuốc dùng cho người lớn và thuốc dùng cho trẻ em, mỗi loại để một ngăn riêng và có ghi chú rõ ràng để tránh dùng nhầm thuốc. Nếu khi mua thuốc có kèm bảng hướng dẫn dùng thuốc, nên cất cẩn thận để tham khảo khi cần.