Đau mắt đỏ là bệnh rất dễ mắc, dễ lây lan thành dịch. Bệnh khá lành tính, thường khỏi sau 7-14 ngày nhưng lại gây nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và công việc. Chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa được bệnh đau mắt đỏ bằng những biện pháp dưới đây.

Nguyên nhân gây bệnh

Đau mắt đỏ có thể lây qua đường hô hấp. Ảnh minh họa
Đau mắt đỏ có thể lây qua đường hô hấp. Ảnh minh họa.

Các virus và vi khuẩn là nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ. Các vi sinh vật này có nhiều trong nước mắt, nước mũi và ghèn mắt của người bệnh. Đôi khi, các bệnh viêm phổi cấp, sởi, sốt virus cũng có triệu chứng là đau mắt đỏ cấp tính.

Thời tiết lúc chuyển mùa, độ ẩm không khí cao, môi trường nhiều khói bụi là điều kiện thuận lợi để bệnh phát triển và lây lan thành dịch.

Trung gian lây nhiễm đau mắt đỏ chính là nước mắt của bệnh nhân. Khi bệnh nhân khi lấy tay dụi mắt rồi tiếp xúc với các vật dụng và người khác có thể làm lây lan bệnh.

Nước mắt thường chảy xuống mũi tạo thành nước mũi. Khi bệnh nhân ho, hắt xì, chảy nước mũi có thể truyền mầm bệnh sang người khác.

Các vi khuẩn và virus gây bệnh còn có thể khu trú trong các vật dụng của bệnh nhân như chậu rửa, khăn mặt, mắt kính rồi lây lan sang người khác khi dùng chung đồ dùng.

Phòng ngừa lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ

Rửa tay bằng xà phòng để phòng ngừa đau mắt đỏ.  Ảnh minh hoạ.
Rửa tay bằng xà phòng để phòng ngừa đau mắt đỏ. Ảnh minh hoạ.

Để phòng ngừa đau mắt đỏ, cần phải thực hiện những biện pháp sau:

- Không dụi mắt bằng tay, đặc biệt là sau khi đi bơi và sau khi tiếp xúc với các vật dụng công cộng.

- Rửa mặt nhiều lần trong ngày bằng khăn sạch và nước sạch. Giặt khăn bằng xà phòng và phơi khô.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Tẩy rửa các bề mặt công cộng như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang bằng thuốc sát trùng.

- Rửa mắt hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) .

- Dùng riêng các loại vật dụng như khăn mặt, chậu rửa mặt, mắt kính…

- Không nên đi bơi trong giai đoạn có dịch.