Theo luật định, người dưới 18 tuổi không được hiến tạng khi còn sống, nhưng họ có thể hiến tạng trong một số trường hợp cụ thể khác.

Nhận giác mạc hiến từ bé Hải An.
Ảnh: Trung tâm điều phối quốc gia về hiến ghép mô tạng và cơ thể người

Câu chuyện bé Hải An (7 tuổi) hiến 2 giác mạc trước khi qua đời đã thắp lên niềm tin về những giá trị nhân văn đẹp đẽ và khẳng định một lần nữa lẽ sống mà nhiều người đang theo đuổi - “cho đi là còn mãi”.

Chị Lê Vân Anh (Hà Nam) - độc giả của Khoa học và Phát triển - bày tỏ niềm cảm phục trước tấm lòng của bé Hải An và gia đình, đồng thời nêu câu hỏi, theo chị được biết, gia đình bé Hải An muốn hiến nội tạng của con gái mình với ước nguyện “được nghe thấy tim con gái mình đập trong lồng ngực của một người khác” thế nhưng vì sao các bác sỹ chỉ được tiếp nhận 2 giác mạc của bé.

Giải đáp thắc mắc của chị Lê Vân Anh, bác sỹ Nguyễn Hoàng Phúc – Phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bộ Y tế - cho biết: Theo quy định của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được Quốc hội thông qua năm 2016, những người dưới 18 tuổi không được hiến tạng khi còn sống.

Tuy nhiên, người dưới 18 tuổi có thể hiến tạng sau khi rơi vào tình trạng chết não, chỉ cần gia đình xác nhận đồng ý hiến tạng của người thân.

Người rơi vào tình trạng sống thực vật không được chấp nhận hiến tạng, trong khi người đã qua đời chỉ có thể hiến giác mạc, các mô tế bào, gân, da, xương.

Vì vậy, sau khi bé Hải An qua đời, các bác sỹ đã đến tiếp nhân 2 giác mạc theo nguyện vọng của gia đình bé.