Ngày nay, khi có thêm nhiều người quan tâm rèn luyện sức khỏe nhưng không có nhiều thời gian tham gia các phòng tập, chế độ luyện tập ngắt quãng cường độ cao (hay HIIT) đã ra đời như một phương pháp thay thế và ngày càng trở nên phổ biến.

Hình minh họa. Nguồn: Shutterstock

Hình minh họa. Nguồn: Shutterstock

Chu trình luyện tập HIIT bao gồm một chuỗi các bài tập cường độ cao trong các quãng thời gian ngắn. Chúng được thiết kế với mục đích kiểm soát nhịp tim với những khoảng nghỉ ngắn. Người tập luyện HIIT có thể đạt được những lợi ích về sức khỏe tương đương với các bài tập truyền thống mà chỉ mất một nửa thời gian.

Hiện tại, các nhà khoa học đã nghiên cứu phản ứng của các ty thể trong cơ thể người tập và phát hiện chỉ sau 2 phút tập theo chế độ HIIT, cơ thể tạo phản ứng tương tự như khi thực hiện các bài tập (aerobic, đạp xe, bóng rổ, v.v) trong 30 phút với cường độ trung bình.

Tám tình nguyện viên trong độ tuổi thanh niên được giao thực hiện ba giai đoạn tập với cường độ khác nhau. Các nhà nghiên cứu sẽ tính toán chính xác năng lượng tiêu hao trong mỗi giai đoạn, đồng thời theo dõi các thay đổi trong ty thể nếu xuất hiện. Họ sẽ so sánh sinh thiết cơ bắp đùi của tình nguyện viên trước, ngay sau và ba giờ sau khi hoàn bài tập.

Bài tập cường độ trung bình bao gồm 30 phút đạp xe liên tục, yêu cầu người thực hiện chỉ cố gắng 50% sức lực. Giai đoạn luyện tập cường độ cao bao gồm 5 lượt đạp xe, mỗi lượt kéo dài 4 phút, thực hiện với 75% sức lực, giữa mỗi lượt sẽ có quãng nghỉ 1 phút. Nhiệm vụ nặng kí nhất yêu cầu mỗi tình nguyện viên đạp xe nước rút theo từng đợt kéo dài 30 giây, mỗi đợt cách nhau 4,5 phút nghỉ. Để tránh đưa ra kết quả sai lệch, các giai đoạn tập luyện được dàn trải qua các tuần, mỗi giai đoạn cách nhau 7 ngày hoặc hơn.

Các kết quả phân tích cho thấy, nồng độ hydrogen peroxide (JH2O2) trong cơ thể người tập đã hạ xuống mức thấp ngay sau bài tập ở cường độ cao, rồi tăng dần 3 giờ sau đó. Ngược lại, máy phế hấp kế độ (phân giải cao) lại đo được các chỉ số hô hấp trong ty thế ở mức cao, rồi sau đó giảm dần trong khoảng thời gian tương tự. Thông thường, các chất oxy hóa tự do, nếu có nồng độ quá cao thì sẽ gây hại cho cơ thể, nhưng những chỉ số đo được sau các bài tập trên lại được xem là có khả năng kích thích các phản ứng ở cấp độ tế bào - vốn có lợi cho hệ thống trao đổi chất. Bên cạnh đó, mức độ chênh lệch hiệu quả phản ứng [của cơ thể] ở cấp độ ty thể sau người tập khi tham gia ba bài thể dục là không đáng kể. Từ đó, các nhà khoa học kết luận, bài tập 2 phút với cường độ cực cao có thể có tác dụng tương tự như bài tập 30 phút với cường độ thấp hơn.

Kết quả nghiên cứu đã gợi mở khả năng áp dụng nhiều dạng bài tập cho các cá nhân có nhu cầu với điều kiện tập luyện khác nhau mà vẫn đạt được hiệu quả trong cải thiện chức năng trao đổi chất nhờ tập luyện thể dục.

Nguồn: https://www.iflscience.com/health-and-medicine/just-2-minutes-high-intensity-exercise-could-be-as-beneficial-as-30-minutes-of-moderate-activity/