Việt Nam nên cấm và cần có lộ trình cấm sử dụng amiăng trong sản xuất và đời sống nhằm ngăn chặn hiểm họa sau này cho con cháu chúng ta.

 PGS-TS Lê Văn Trình - Chủ tịch Hội KHKT an toàn vệ sinh lao động Việt Nam.

Các kết quả điều tra về bệnh tật liên quan đến amiăng ở Việt Nam chưa đưa ra con số báo động về tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do amiăng vì nhiều lý do khác nhau.Tuy nhiên, các nghiên cứu của nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã chỉ ra tính nguy hiểm của loại vật liệu này cũng như tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết ngày càng tăng cao ở những người từng tiếp xúc với amiăng. Vì thế, Việt Nam nên cấm và cần có lộ trình cấm sử dụng amiăng trong sản xuất và đời sống nhằm ngăn chặn hiểm họa sau này cho con cháu chúng ta.

Dù muốn hay không, chắc chắn Việt Nam cũng phải theo xu hướng của thế giới, tiến đến không sử dụng amiăng trong sản xuất. Vấn đề cần quan tâm là sức khỏe của người lao động hiện nay và hậu quả sau này.


Vì thế, tôi cho rằng chúng ta cần có biện pháp phòng ngừa các bệnh tật liên quan đến amiăng như lập kế hoạch về việc loại bỏ các bệnh có liên quan tới amiăng, trong đó có các thông tin về việc sử dụng trong quá khứ và hiện tại; ước tính về các hậu quả của việc sử dụng amiăng đối với sức khỏe, kinh tế và xã hội. Cần đệ trình một nhóm biện pháp được chia theo từng giai đoạn nhằm loại bỏ việc sử dụng amiăng cũng như phòng, chống/hạn chế việc gia tăng các bệnh có liên quan đến amiăng.

Cần tổ chức phát hiện sớm, thông báo, ghi chép, báo cáo về các bệnh có liên quan tới amiăng thông qua các việc sau: Cải thiện khả năng chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh bụi phổi miăng và sự rối loạn có liên quan đến amiăng chưa khởi phát ác tính, chẩn đoán bệnh lý và lâm sàng của u trung biểu mô; thiết lập các mối quan hệ nhân quả giữa ung thư phổi, ung thư thanh quản và việc tiếp xúc với amiăng; đưa tất cả các loại bệnh tật có liên quan đến amiăng vào danh sách các bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm soát, giám sát các cơ sở sản xuất tấm lợp về môi trường lao động và sức khỏe người lao động; phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh/nghi ngờ mắc bệnh liên quan đến amiăng để có các giải pháp điều trị kịp thời.