Chuyện cơ quan quản lý thay đổi phương án làm đường qua đàn Xã Tắc hay xây đập thủy điện Sơn La sau góp ý mạnh mẽ của các nhà khoa học là bằng chứng cho thấy, trong việc truyền thông để khoa học phục vụ tốt nhất cho đời sống, yếu tố cốt tử là lắng nghe.

Nhiều vấn đề của đời sống khoa học hiện nay như doanh nghiệp cần công nghệ nhưng không tìm được nhà cung cấp, trong khi nhà khoa học có nghiên cứu tốt không tìm được đầu ra, doanh nghiệp và nhà khoa học gặp khó do vướng mắc về chính sách… dường như có chung một điểm mấu chốt.

Đó là khâu truyền thông và lắng nghe chưa thực sự thông suốt. Tầm quan trọng của lắng nghe càng thể hiện rõ khi xuất hiện các vấn đề dân sinh nóng bỏng cần ý kiến của cơ quan quản lý và nhà khoa học như chuyện thực phẩm bẩn, sự cố môi trường… Thời đại Internet, người dân bị bủa vây bởi rất nhiều nguồn thông tin. Lắng nghe để chắt lọc, để điều chỉnh hành động, quyết sách nhiều khi trở thành chuyện sống còn.

Báo chí cũng chịu sức ép của truyền thông xã hội trong các sự kiện nóng. Ảnh: Như Ý
Báo chí cũng chịu sức ép của truyền thông xã hội trong các sự kiện nóng. Ảnh: Như Ý

Những quyết sách từ sự lắng nghe

Cách đây 15 năm, khi Quốc hội ra nghị quyết về xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, phương án tiền khả thi xác định cao trình đập 264m được nhiều nhà khoa học đánh giá không an toàn, nhưng vẫn được bỏ phiếu thông qua. Không bỏ cuộc, ngoài việc truyền thông trên báo chí, các nhà khoa học gửi thư lên Bộ Chính trị, Quốc hội, truyền thông điệp là nếu xảy ra sự cố với đập thủy điện cao trình 264m, nền văn minh sông Hồng sẽ bị trôi ra biển trong vòng 24 giờ. Đến năm 2002, vấn đề được đưa ra Quốc hội thảo luận lần nữa và dự án thủy điện Sơn La được thông qua với cao trình an toàn là 215m.

Câu chuyện đàn Xã Tắc ở Hà Nội năm 2013 cũng tốn không ít giấy mực của báo chí với sự lên tiếng của các nhà khoa học. Dự án đường vành đai 1 qua Ô Chợ Dừa gây nhiều tranh cãi vì theo thiết kế, cầu vượt sẽ được xây ngay trên đàn Xã Tắc. Sau nhiều lần cân nhắc, thành phố đưa ra 6 phương án xây cầu vượt để lấy ý kiến từ các nhà khoa học và các cơ quan liên quan. Sau cùng, phương án có sự đồng tình cao nhất đã được chọn.

Từ vị trí quản lý, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng chia sẻ một câu chuyện cho thấy ảnh hưởng tích cực của việc lắng nghe dư luận. Nghị định 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN xác định đối tượng là doanh nghiệp mới thành lập, không công nhận những doanh nghiệp ra đời trước đó dù hội đủ tiêu chuẩn doanh nghiệp KH&CN.

Thực tế đã sớm nảy sinh vướng mắc, tiêu biểu là trường hợp Công ty TNHH thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco). Là đơn vị nghiên cứu, áp dụng thành công nhiều công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh, có nhiều sáng chế, Busadco muốn được công nhận là doanh nghiệp KH&CN nhưng “soi” vào Nghị định 80 thì không đúng với tiêu chí, đối tượng nên đã kiến nghị trên các phương tiện truyền thông.

Thứ trưởng Tùng kể: “Qua phản ánh của doanh nghiệp, cộng đồng và báo chí, chúng tôi thấy vấn đề này cần được xem lại. Bản chất đây là một doanh nghiệp KH&CN. Nếu được công nhận, họ sẽ có uy tín và được hưởng ưu đãi, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp để đầu tư trở lại cho nghiên cứu”. Tiếp thu các ý kiến, Nghị định 96/2010/NĐ-CP đã đưa các đối tượng như Busadco vào diện đủ điều kiện đánh giá công nhận doanh nghiệp KH&CN.



Nhà khoa học cũng cần lắng nghe

Là một nhà khoa học trực tiếp lăn lộn với sản xuất, GS-TSKH Trần Duy Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương - hiểu hơn ai hết ý nghĩa của việc nắm bắt tín hiệu từ đời sống. Nói cụ thể vào lĩnh vực chọn tạo giống lúa mà ông tham gia, GS Quý cho biết để giống lúa đáp ứng được thị trường, nhà nghiên cứu phải lắng nghe phản hồi từ thực tiễn để chỉnh sửa kịp thời các nhược điểm hoặc phát huy cao nhất những đặc điểm tốt của giống. Có như vậy, kết quả nghiên cứu mới có đời sống dài.

Ông Quý kể về lần nghiên cứu tạo giống lúa năng suất trên 3 tạ/sào, dòng lúa đầu tiên chọn tạo được cho năng suất cao nhưng hạt nhỏ nên khi tuốt, máy gặt đập thổi bay mất rất nhiều hạt. Bông lúa lại to quá nên khi chín bị gãy, nông dân gặp nhiều khó khăn khi thu hoạch và mất thêm công sàng sảy. Nghe dân phản ánh, GS Quý đã nghiên cứu điều chỉnh, và thế hệ giống sau đó đã khắc phục được các nhược điểm này.

Cũng chuyện trực tiếp lắng nghe nông dân, GS-TS Phạm Thị Thùy - Giám đốc Trung tâm Sinh học nông nghiệp và Bảo vệ môi trường - kể: Năm 2003 bà về Thạch Môn, Hà Tĩnh để phổ biến cách xới đất tơi lên để gieo hạt đậu tương thay vì đục lỗ như cách cũ, nhưng đa số nông dân từ chối. Bà đã kiên trì tìm hiểu, hỏi han để thuyết phục, cùng họ chăm chút ruộng đậu. Đến khi đậu trồng theo cách mới cho năng suất gấp 1,5-2 lần cách trồng cũ, nông dân đều tin phương pháp mới.

“Để đưa ra được phương pháp mới, chắc chắn nhà khoa học phải nghe dân để biết cái cũ có những ưu, nhược điểm gì. Với kỹ thuật mới cũng cần sát sao để nhận phản hồi từ chính người áp dụng, xem còn gì chưa hợp lý. Sự lắng nghe luôn là cần thiết” - GS Thùy chia sẻ.

Biểu đồ về mức độ tin cậy của công chúng đối với các ngồn tin về thực phẩm bẩn.
Biểu đồ về mức độ tin cậy của công chúng đối với các ngồn tin về thực phẩm bẩn.

Trong một khảo sát vừa được thực hiện trên Diễn đàn Nhà báo trẻ với khoảng 12.000 thành viên, các thành viên tham gia trả lời câu hỏi: Trước những thông tin nhiễu loạn về thực phẩm bẩn thời gian qua (ví dụ như trường hợp một loại thực phẩm lúc thì bảo bẩn, chứa chất gây ung thư, khi thì bảo an toàn), bạn tin tưởng ở nguồn thông tin nào trong các nguồn tin sau: Nhà khoa học, báo chí, cơ quan có thẩm quyền, bạn bè - người thân, mạng xã hội?