Cây trúc Nhật có dáng mảnh mai, sang trọng nên được rất nhiều người chọn làm cây nội thất để trang trí nhà cửa, văn phòng, hàng quán…

Chậu cây trúc Nhật. Ảnh minh họa.
Chậu cây trúc Nhật. Ảnh minh họa.


1. Dụng cụ trồng và đất trồng

Bạn có thể tận dụng bao xi măng, giỏ treo, bao tải, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng cây trúc Nhật. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.


Cây trúc Nhật ưa phát triển trên nền đất giàu dinh dưỡng, tơi xốp, thoát nước tốt. Bạn có thể trộn thêm đất + tro trấu + xơ dừa + vôi bột theo tỉ lệ 1:1:1:1.

Theo ý nghĩa phong thủy, cây trúc Nhật có tác dụng trừ tạ, đem lại may mắn, tốt lành cho cả gia đình. Ngoài ra, cây còn có tác dụng thanh lọc không khí, tạo không gian thoáng mát.

Cây trúc Nhật. Ảnh minh họa.
Cây trúc Nhật. Ảnh minh họa.

2. Trồng cây

Cây trúc Nhật thường được nhân giống bằng phương pháp tách bụi hoặc giâm cành.

Tách bụi: Đào cây mẹ lên, rũ bỏ đất, để lộ rễ. Rồi cắt rời các rễ cây con với cây mẹ, đặt cây con vào chậu đã có đất, lấp đất, tưới nước. Cách này không làm ảnh hưởng đến cây mẹ, bảo vệ được sự hoàn chỉnh của bộ rễ. Nếu trồng thủy sinh thì chỉ việc tách cây con khỏi cây mẹ, đặt vào chậu có chứa sẵn nước hoặc dung dịch trồng cây.

Giâm cành: Cắt đoạn cành có 1 - 2 cặp lá, giâm vào hỗn hợp đất trồng gồm tro trấu, xơ dừa. Sau đó, tưới nước đủ ẩm. Khi rễ mọc ra từ các đoạn cành giâm, bứng đoạn cành giâm này, sao cho không đứt rễ, trồng vào chậu nhựa hoặc túi bầu chứa giá thể hỗn hợp, cành giâm sẽ nhanh đẻ nhánh.

Chậu trúc Nhật dùng làm trang trí phòng làm việc. Ảnh minh họa.
Chậu trúc Nhật dùng làm trang trí phòng làm việc. Ảnh minh họa.

3. Chăm sóc

Trúc Nhật là loại cây ưa bóng, ưa sáng. Nên để cây nơi có nhiều ánh sáng ở trong phòng. Tuy nhiên, sau 15-30 ngày thì nên đem cây ra đặt nơi có nắng nhẹ 1-3 ngày để cây phát triển tốt hơn và hạn chế sâu bệnh. Không mang cây đặt nơi nắng gắt hoặc nhiều nắng vì cây sẽ bị cháy lá.

Cần tưới nước thường xuyên 1-2 ngày/lần để đảm bảo độ ẩm cần thiết. Lưu ý: Tránh tưới quá nhiều nước, làm cây bị úng.

Nên bón bổ sung phân vi sinh cho cây 1 lần/tháng (nhớ mang cây ra ngoài trước khi bón phân).

Khi cây mọc cao, cần cắm thêm cọc tre nhỏ để cây không bị đổ.

Nếu trồng thủy sinh, 1-2 tuần thay nước 1 lần cho cây. Khi thay nước nhớ rửa sạch rễ trước khi cho vào bình, cắt bớt rễ già và lá vàng.

Thường xuyên dùng khăn lau sạch lá cây khi bị bám bụi bẩn.