Ngoài việc được chế biến thành nhiều món ăn ngon thì măng tre còn có tác dụng thúc đẩy sức khỏe tim mạch, chống ung thư, giúp giảm cân, kiểm soát cholesterol, tăng cường hệ miễn dịch…

Cây măng tre giống. Ảnh minh họa.
Cây măng tre giống. Ảnh minh họa.


1. Thời vụ và đất trồng

Tre phải được trồng trên đất cao ráo, không bị ngập úng. Đất thấp có thể làm thối măng tre. Hố trồng cần được chuẩn bị trước khi đặt cây con từ nửa tháng đến một tháng. Hố có kích thước mỗi cạnh 60cm và sâu 60cm. Để giúp cây nhanh bén rễ và phát triển tốt sau nầy cần cung cấp khoảng 10 - 15 kg phân hữu cơ đã hoai mục (như phân chuồng, phân rơm rạ, …) cộng với 0,5-1 kg phân lân trộn đều với đất mặt và lấp đầy hố.


Tùy loại đất mà tre được trồng với nhiều mật độ khác nhau như: 3 x 3m, 4 x 4m, 4,5 x 4,5m và 5 x 5m.

Nếu có đủ nước tưới có thể trồng bất cứ tháng nào trong năm. Riêng vùng đất chân núi, đất giồng thiếu nước thì nên trồng vào đầu mùa mưa.

Măng tre. Ảnh minh họa.
Măng tre. Ảnh minh họa.

2. Chọn giống và trồng tre

Hiện nay, trên thị trường có những giống tre trồng lấy măng phổ biến như tre tàu, tre mạnh tông, tre bát độ, tre lục trúc…

Đối với các loài tre nói chung có nhiều cách nhân giống từ thân ngầm, hom gốc, thân khí sinh (hom thân), hom cành hay trồng bằng hạt. Khi nhân giống nên chọn những bụi (khóm) tre phát triển tốt, không sâu bệnh, chưa ra hoa. Lựa những cây không quá non hoặc quá già (bánh tẻ), khoảng 7 - 8 tháng tuổi để làm giống.

Hom gốc: Nhân giống tre bằng hom gốc phải có một phần thân tre khoảng 7 - 8 tháng tuổi, có 3 lóng dài từ 80 - 100cm, có đường kính từ 7cm trở lên. Đem một thân ngầm, có chồi mầm không dập nát, không bị thối, đem ươm ở vườn ươm thời gian từ 3 - 4 tháng rồi đem trồng.

Hom thân: Chọn cây tre 7 - 8 tháng tuổi cưa ở gốc, phần tiếp giáp với thân ngầm, đem về đục lỗ trên các lóng theo hướng thẳng góc với cành. Sau đó đem đặt ở các luống tại vườn ươm, lấp đất vừa đủ kín thân cây tre (đất vườn ươm đã được cày bừa và bón phân hữu cơ đầy đủ). Kế tiếp đổ nước vào các lóng tre cho đầy rồi đậy lại để giữ ẩm, vườn ươm có làm giàn che mát 70 -80%, tưới ẩm thường xuyên. Sau 1 tháng dỡ bỏ giàn che, nuôi cây trong vườn khoảng 3 tháng, khi cây ra cành mới và rễ thứ cấp thì bứng lên, cưa từng đoạn đem trồng.

Để tiết kiệm thời gian và công sức, bạn có thể tìm mua cây giống ở các vựa nông sản.

Sau khi chuẩn bị đất trồng và giống xong đặt cây giống xuống hố nghiêng khoảng 45 độ (nếu là hom gốc),dùng đất nhỏ mịn lấp đầy hố và nén chặt. Trường hợp trồng bằng hom thân, hom cành thì khi đặt hom vào giữa hố theo chiều thẳng đứng, phần gốc chồi nằm dưới miệng hố không quá 10cm rồi lấp đất và nén chặt.

Trồng xong nên tưới nước thật đẫm, đảm bảo rễ cây tiếp xúc tốt với đất, dùng rơm rạ tủ chung quanh gốc cây một lớp dày 10 x 20cm để chống cỏ dại vào mùa mưa, giữ ẩm vào mùa khô.

Tre măng mới thu hoạch. Ảnh minh họa.
Tre măng mới thu hoạch. Ảnh minh họa.

3. Chăm sóc

Mỗi năm bón thúc hai lần vào thời điểm trước khi ra măng 1 tháng và sau khi thu hoạch măng nhằm giúp cây phục hồi sức nhanh. Dùng 15 - 20kg phân chuồng hoai (hoặc 10kg phân hữu cơ vi sinh) và khoảng 1 kg phân NPK bón cho mỗi bụi tre trong thời kỳ kinh doanh. Đối với tre phân chuồng là nguồn dinh dưỡng tốt nhất để tạo ra rau sạch. Đào rãnh nhỏ xung quanh bụi tre cách gốc tre khoảng 0,5m rồi rải phân lấp kín đất lại.

Thường xuyên làm cỏ, vun xới, tấp cỏ rác mục vào gốc cây để cho măng to và nhiều hơn.

Măng tre bóc vỏ. Ảnh minh họa.
Măng tre bóc vỏ. Ảnh minh họa.

4. Thu hoạch

Nếu chăm sóc tốt, cây tre sẽ cho thu hoạch măng sau khoảng 2 năm trồng. Sau khi khai thác tre nhất thiết phải đào bỏ thân ngầm già (gốc tre), nhằm giúp đất thông thoáng để măng mọc ra từ thân ngầm khác có điều kiện phát triển tốt hơn, đối với tre mọc tản cũng làm tương tự.