Ngoài việc được sử dụng làm gia vị cho các món ăn như thịt quay, kho, nướng… thì cây mắc mật còn có tác dụng lợi mật, kích thích tiêu hóa, bảo vệ gan, giảm đau…
Cây mắc mật con. Ảnh minh họa.
1. Chuẩn bị dụng cụ trồng và đất trồng
Dụng cụ trồng
Bạn có thể tận dụng bao xi măng, bao tải, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng cây mắc mật. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.
Chậu trồng cây mắc mật tại nhà nên chọn chậu có kích thước miệng chậu từ 35 - 40cm, cao từ 30 - 50cm để cây có thể sinh trưởng lâu dài cho nhiều cành nhánh.
Đất trồng
Cây mắc mật có thể phát triển trên nhiều nền đất khác nhau như đất đỏ bazan, đất thịt pha cát, đất thoát nước tốt, đất nương rẫy, đất đồi thấp, phù sa ven suối và phù hợp với mọi địa hình.
Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 15 - 20 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.
Cây mắc mật.
2. Chọn giống và trồng cây
Cây Mắc Mật Giống thường được nhân giống từ hạt hoặc bằng cách ghép cây.
Giống từ hạt: Chọn những hạt giống khỏe, không sâu bệnh, phơi nhẹ hạt giống dưới bóng râm 2 - 3 ngày. Sau đó ngâm hạt trong nước ấm (2 sôi 3 lạnh) trong vòng 6 giờ. Tiếp hành gieo vào bầu đất nylon có kích thước 15 x 30cm (bầu được đặt nơi vườn ươm có che bóng hoặc nơi râm mát). Hàng ngày, tưới đẫm nước lúc sáng hoặc chiều. Khi cây con từ 3 - 4 cặp lá có thể bón thúc phân chuồng hoại với phân lân rắc trên mặt bầu. Sau 12 tháng có thể đem trồng.
Giống cây ghép: Sau khi chăm sóc cây từ hạt trong vườn ươm 16 - 18 tháng, gốc cây ghép có đường kính 1 - 1,5cm có thể tiến hành ghép. Gốc ghép được cắt ngọn cách mặt đất 20 - 30cm. Dùng dao chẻ đôi từ vị trí cắt ngọn sâu vào gỗ khoảng 1cm. Cành ghép là cành chọn từ cây mẹ sai quả, là cành bánh tẻ thường có đường kính 1 - 1,5cm sức sinh trưởng tốt, cành ghép dài 10cm có 4 - 5 chồi ngủ, đầu phía gốc cành được vạt hai bên thành hình nêm cắm vào gốc ghép, dùng dây nylon quấn chặt. Sau khi ghép từ 15 - 20 ngày không được tưới nước quá ẩm. Sau khoảng 6 - 8 tháng có thể đem ra trồng ngoài vườn.
Dùng cuốc đào lỗ nhỏ giữa hố với chiều sâu hơn chiều cao của bầu cây trồng 2 - 3cm. Sau đó, dùng dao rạch bầu nylon từ trên xuống, cắt bỏ rễ cong queo dưới đáy bầu, đặt cây nhẹ xuống hố cuốc, lấp đất và ấn nhẹ xung quanh gốc cây. Tiếp theo cắm cọc cố định và buộc cây vào cọc chống gió lay gốc. Khi trồng vào mùa mưa tránh gốc cây bị ngâm nước. Sau khi trồng xong tưới nước giữ ẩm cho cây.
Cây mắc mật cho thu hoạch lá. Ảnh minh họa.
3. Chăm sóc
Mắc mật là cây chịu hạn tốt, tuy nhiên mùa khô cũng cần tưới nước thường xuyên để cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Bón phân: Sau khi trồng 1 - 2 tháng cây đã bén rễ cần bón phân đạm (pha loãng 1 - 2%) 1 - 2 lần, mỗi lần cách nhau 1 tháng để cây mau phục hồi. Thời gian 1 - 2 năm đầu, hàng năm bón cho mỗi cây 0,2 - 0,4kg phân NPK 16-16-8, một năm bón 2 lần. Những năm sau đó tăng thêm 0,1kg/cây. Khi cây ra hoa, có quả bón 1 - 2kg NPK/cây, bón cách gốc 1 - 1,5m, bón bổ sung 0,2 - 0,3 kg vôi/ cây.
Thường xuyên làm sạch cỏ từ gốc đến khoảng hơn 1m xung quanh cây để tránh cạnh tranh dinh dưỡng. Một năm làm cỏ hai lần.
Hai năm đầu cắt ngọn cây 1 - 2 lần cho cành khung khỏe, bộ tán gọn. Cắt bỏ cành nhỏ, cành vượt trong tán cây.
Quả mắc mật. Ảnh minh họa.
4. Thu hoạch và bảo quản
Khi cây ra lá tươi tốt bạn có thể sử dụng dần. Khi quả chín đều cần thu hoạch từng cây một. Quả tách vỏ đem hạt phơi khô, xay thành bột, dùng làm gia vị như hạt tiêu để kho thịt cá…