Đèn điện rực rỡ làm lu mờ ánh trăng, đồ chơi điện tử bằng nhựa đẩy lùi đồ chơi truyền thống bằng giấy, tre, gỗ… là điều mà các nhà nghiên cứu văn hóa khẳng định là tất yếu. Dù vậy, hồn trung thu không mất nếu mỗi người xác định được giá trị thực của ngày tết này là gì.

Năng lượng tự nhiên bị lấn át

Nói về sự thay đổi của trung thu hiện đại, TS Đỗ Lan Phương - Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - nhận xét: “Ngày xưa chúng ta sử dụng năng lượng tự nhiên nhiều, ăn cơm dưới trăng, đi cấy dưới trăng… nên ấn tượng và cảm xúc về thiên nhiên rất đậm. Nay, năng lượng nhân tạo chiếm phần hơn nên các yếu tố tự nhiên bị lu mờ”. Trong khi đó theo bà, mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên là một trong những giá trị quan trọng của trung thu truyền thống.

“Ngay cả ở nông thôn nhiều khi cũng không còn cảm nhận được vẻ đẹp của trăng vì đã bị đô thị hóa. Trăng chỉ đẹp khi không có ánh sáng điện” - GS-TS Nguyễn Xuân Kính - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nói.

Những em nhỏ ở thôn Đàn Viên, Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội nô đùa bên chiếc đèn kéo quân gợi nhớ cho chúng ta về miền ký ức tuổi thơ hồn nhiên một thời. Ảnh: Châu Long

Sự lấn át của năng lượng nhân tạo cũng thể hiện ở đồ chơi trung thu. Những đồ chơi thủ công truyền thống từ thiên nhiên gắn bó với nhiều thế hệ trước hoặc bị thay thế bởi đồ chơi điện tử, hoặc thay đổi hoàn toàn sang chất liệu nhân tạo - chủ yếu là nhựa, nylon. Trò chơi và cách chơi cũng khác.

“Các trò chơi dân gian có điểm hay là gợi cho trẻ con nhiều tưởng tượng, suy nghĩ, tính tương tác cao, còn trò chơi hiện đại hầu như chỉ có hình ảnh, tác động một chiều, không khơi gợi trí sáng tạo, thậm chí còn thay trẻ con suy nghĩ” - GS-TS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam nói.

Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - PGS-TS Võ Quang Trọng - cũng có quan điểm tương tự: “Đồ chơi từ thiên nhiên dễ phát huy tính sáng tạo của trẻ, còn nhiều đồ chơi công nghệ khiến trẻ lệ thuộc vào chúng. Các em chỉ chơi chứ không tạo ra đồ chơi như trung thu trước đây”.

Các em nhỏ háo hức xem tò he nặn từ đất sét tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Châu Long

Giải thích điều này, TSKH Vũ Minh Giang - nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng do bận rộn, phụ huynh thường sử dụng sản phẩm, dịch vụ trung thu có sẵn thay vì tự làm như ngày xưa. “Công sức đầu tư cho ngày trung thu ít hơn nên ấn tượng về nó trong mắt trẻ em sẽ ít sâu sắc” - TS Giang nói.

Ngày nay rất ít đứa trẻ được trải nghiệm cảm giác háo hức trong nhiều ngày khi chờ xem bố mẹ làm đèn ông sao. Nhiều phụ huynh đúng hôm trung thu mới tranh thủ sau giờ làm mua quà cho con, chở con ra đường chơi một vòng rồi về. Trong trường hợp này, ý nghĩa sum họp gia đình, tăng kết nối cộng đồng - mà theo GS Thịnh là một giá trị lớn của tết trung thu truyền thống - đã bị bỏ qua.

Trẻ xưa chơi tiến sỹ giấy, trẻ nay chơi siêu nhân

Các nhà nghiên cứu đều khẳng định, không nên nuối tiếc hay đòi hỏi giữ nguyên bản trung thu truyền thống, bởi thay đổi là quy luật. Điều quan trọng là trong hình thức mới, những giá trị tốt đẹp nhất của trung thu vẫn được phát huy, đó là sự kết nối cộng đồng, sự quan tâm lẫn nhau, yêu thương trẻ em, sự hài hòa trong quan hệ với thiên nhiên…

“Trẻ em có cảm nhận được giá trị của trung thu hay không là do người lớn” - TS Phương khẳng định. “Ngày xưa chưa đến trung thu, các bà, các mẹ đã nhắc đến nó vào mỗi bữa cơm”. Bà cho rằng trẻ em ngày nay cũng có nhiều cảm xúc về trung thu, cho dù quan tâm đến những trò chơi, đồ chơi hiện đại.

Chú chó bưởi trong mâm cỗ trung thu của Trường mầm non Chu Văn An, Hà Nội.
Ảnh: Bình Phạm

“Trẻ bây giờ chơi siêu nhân cũng như trẻ ngày xưa chơi tiến sỹ giấy, đều thể hiện ước nguyện đẹp đẽ. Trẻ xưa chơi tiến sỹ giấy với ước mơ học giỏi, đỗ đạt thì trẻ chơi siêu nhân bây giờ muốn giúp mọi người giải quyết khó khăn, không thể và không nên đòi hỏi giữ nguyên hình tượng cũ” - TS Phương nói và cho rằng, giá trị trung thu không mất, chỉ biểu hiện khác trước.

GS Thịnh còn cho rằng, từ thế kỷ 20, trung thu Việt Nam mang giá trị mới: “Tết Trung thu gắn với hình ảnh Bác Hồ - người đã đưa trung thu thành tết trẻ em bằng việc tặng thơ các cháu mỗi dịp này. Chính điều đó đã làm mới ý nghĩa của Tết Trung thu”.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ cũng đề cao một giá trị mới của Tết Trung thu hiện đại: “Xã hội tổ chức trung thu hướng hẳn về trẻ em, truyền thống trung thu độc lập từ Cách mạng tháng Tám nhiều nơi còn giữ được với biểu tượng đèn sao vàng, chim hoà bình, ca khúc “Chiếc đèn ông sao” vang khắp thôn cùng xóm vắng. Nhiều thứ quà truyền thống như tò he, ông tiến sỹ giấy... đang được khôi phục. Theo tôi, trung thu có 3 giá trị chính cần giữ vững, đó là tinh thần vì thiếu nhi, tinh thần Tết Độc lập và trình diễn nghệ thuật, văn hoá dân gian”.

Cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động trình diễn và các trò chơi tương tác, PGS-TS Võ Quang Trọng nói: “Để duy trì các giá trị truyền thống, chúng ta phải nuôi dưỡng qua các hoạt động thực tế chứ không thể chỉ trong sách báo của thư viện. Làm sao tổ chức được các trò chơi để trẻ em hiểu được giá trị của trò chơi, cảm nhận nó, tự hào về nó, từ đó khích lệ các ý thức bảo tồn”.