Chúng ta quá quen với sự phân đôi thế giới thành phái nam và phái nữ. Nhưng những công bố khoa học gần đây cho thấy có hơn hai giới tính quen thuộc trên xét về mặt sinh học.

Trong bài tạp chí “Năm giới tính: Tại sao phụ nữ và đàn ông là không đủ?” đăng trên tạp chí Khoa học (The Sciences) của Học viện Khoa học New York (New York Academy of Sciences) xuất bản tháng 3 và tháng 4/1993, Anne Fausto-Sterling phân tích có 5 giới tính về mặt sinh học.

Theo đó, các nhà điều tra y tế công nhận khái niệm về cơ thể liên giới (intersexual body). Trong y học, thuật ngữ “intersex” (liên giới) được sử dụng để chỉ ba phân nhóm chính có một số đặc tính nam và nữ: lưỡng tính thực sự (herms), là người có một tinh hoàn và một buồng trứng (có tuyến tinh trùng và sản sinh ra trứng); nam lưỡng tính giả (merms), là người có tinh hoàn và một số khía cạnh của cơ quan sinh dục nữ nhưng không có buồng trứng; và nữ lưỡng tính giả (ferms), những người có buồng trứng và một số khía cạnh của cơ quan sinh dục nam nhưng thiếu tinh hoàn.


Và ở một video clip chiếu cho sinh viên lớp Giới thiệu về Nhân học Văn hóa khóa Mùa Xuân năm 2012 (trường Đại học California, Riverside, Hoa Kì), giới tính không phải nam và không phải nữ như vẫn tưởng lại không chỉ được chứng minh về mặt sinh học mà còn được chứng minh về mặt xã hội.

Một người đàn ông được phỏng vấn cho biết trước kia là một phụ nữ, có chồng và sinh con. Nhưng từ khi chồng mất, bà phải sinh lo kiếm kế sinh nhai. Không kiếm được việc, người phụ nữ này phải làm nghề lái taxi. Bộ dạng nữ tính khiến cho công việc của bà trở nên nguy hiểm và cũng ảnh hưởng đến việc giao dịch với khách hàng. Bà đã bắt chước các hành vi của đàn ông và dần dần, bà trở thành một người đàn ông.

Chúng ta cũng khá quen với sự phân biệt về tính tình và sức khỏe giữa nam và nữ. Người nam thường được miêu tả là người chủ động và người nữ là bị động. Quan niệm này, theo chứng minh của Emily Martin trong chương viết “Trứng và Tinh trùng: Khoa học đã xây dựng các câu chuyện dựa trên vai trò nam nữ được định hình như thế nào?” đăng trên tạp chí Các kí hiệu: Tạp chí về Phụ nữ trong Văn hóa và Xã hội (Signs: Journal of Women in Culture and Society) số 16 năm 1991 đã khảo sát các sách giáo khoa dạy về khoa học của Mỹ và chỉ ra việc miêu tả tính năng động của tinh trùng trong việc tiếp cận trứng, và trứng bị động trong việc đón chờ tinh trùng.

Vị thế nhược tiểu của người phụ nữ còn được khoa học, như Martin miêu tả, tiếp tay qua những miêu tả về sự chênh lệnh về số lượng trứng và tinh trùng. Trong khi tinh trùng có thể sản sinh liên tục thì trứng của người phụ nữ dừng lại trong giai đoạn sinh nở.

Hơn nữa, các sách giáo khoa nhấn mạnh vào sự thoái hóa và sự lãng phí của trứng người phụ nữ: ở dạng phôi thai,phụ nữ có 7 triệu tế bào trứng, đến khi các tế bào này đi vào tử cung, một số lượng lớn chết đi và chỉ còn lại 2 triệu; và khi được sinh ra, con số này chỉ còn 300 nghìn. Trong tuổi sinh sản kéo dài 30 đến 40 năm của người phụ nữ, chỉ có 400 đến 500 trứng được giải phóng, còn lại thui chột hết. Trong khi đó, cuốn sách giáo khoa lại nhấn mạnh khả năng sinh ra tinh trùng của đàn ông mà không nói gì đến sự lãng phí hay sự thui chột của chúng.

Tác giả Martin đã lật lại diễn ngôn cho rằng, lẽ ra, nếu trứng rụng trong cả đời của người phụ nữ là 500, và nếu họ chỉ sinh 2 đến 3 con thì cho mỗi đứa trẻ, họ chỉ lãng phí có 2 trăm trứng. Trong khi đó, để sinh ra một đứa trẻ, đàn ông lãng phí 10 mũ 12 tinh trùng!