Đường huyết, hay glucose, là lượng đường được tìm thấy ở trong máu.

Cơ thể chúng ta lấy glucose từ thức ăn. Lượng đường này chính là nguồn cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì hoạt động của các cơ quan, cơ bắp và hệ thần kinh trong cơ thể. Trong khi đó, hoạt động hấp thu, tích trữ và sản sinh glucose lại được kiểm soát thường xuyên bởi các quá trình phức tạp với sự tham gia của ruột non, gan và tuyến tụy.

Sau khi một người ăn chất đường bột, glucose sẽ đi vào trong máu. Hệ thống nội tiết, mà cụ thể là tuyến tụy, sẽ giúp duy trì lượng đường trong máu ở mức ổn định, nhờ sản sinh ra một loại hormone có tên là insulin – đảm nhận vai trò đưa lượng đường dư thừa về gan như là glycogen. Ngoài ra, tuyến tụy cũng tiết ra một hormone khác tên là glucagon – có tác dụng ngược với insulin, tức làm tăng đường huyết khi cần.

Trung tâm Nghiên cứu ung thư tụy Johns Hoplins thuộc Đại học Sol Goldman cho biết, hai loại hormone này hoạt động kết hợp với nhau để duy trì sự cân bằng của nồng độ đường. Chẳng hạn, khi cơ thể cần nhiều đường trong máu hơn, glucagon sẽ báo hiệu cho gan để chuyển hóa glycogen thành glucose và tiết ra mạch máu – quá trình này được gọi là phân hủy Glycogen.

Khi không có đủ lượng đường cho mọi chỗ trên cơ thể, gan sẽ làm nhiệm vụ tập trung nguyên liệu tới những bộ phần cần nó nhất, bao gồm não, hồng cầu và thận. Còn đối với các phần còn lại, gan sẽ tạo ra ketone để phân giải chất béo thành năng lượng – quá trình này được gọi là ketonegenesis. Theo lý giải của Đại học California, gan cũng có thể tạo ra đường từ những thành phần hóa học khác trong cơ thể như amino acid, chất thải hay chất béo phụ phẩm.

Tự sử dụng thiết bị đo lượng đường huyết. Ảnh: Bochkarev Photography/Shutterstock

Glucose hay Dextrose?

Dextrose cũng là một loại đường, và về cấu tạo hóa học thì nó giống hệt glucose nhưng được tạo ra từ ngô và gạo – theo Health line. Và loại đường này thường được sử dụng làm chất tạo ngọt trong các sản phẩm như bánh ngọt hay thức ăn sẵn. Ngoài ra, Dextrose cũng được dùng cho mục đích y tế khi người ta hòa tan nó để truyền dịch cho bệnh nhân nhằm làm tăng lượng đường huyết của người đó.

Đường huyết bình thường

Đối với hầu hết tất cả mọi người, đường huyết ở mức 80-99 mg/dl (trước khi ăn) và 80-140 mg/dl (sau khi ăn) thì được xem là bình thường. Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ cho biết, hầu hết phụ nữ không mang thai mắc bệnh tiểu đường sẽ có chỉ số đường huyết từ 80-130 mg/dl (trước khi ăn) và thấp hơn 180 mg/dl (sau khi ăn từ 1-2 tiếng).

Sự chênh lệch trong lượng đường huyết, cả trước và sau khi ăn, đã phản ánh cách cơ thể hấp thụ và tích trữ glucose. Và thường thì sau khi ăn, cơ thể sẽ tách đường bột thành các thành phần nhỏ hơn, trong đó glucose, để cho ruột non có thể hấp thụ được.

Một số vấn đề

Theo Bác sĩ Jennifer Loh – Trưởng khoa nội tiết ở Bệnh viện Kaiser Permanente (Hawaii), bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể không sản sinh đủ insulin, hoặc do các chức năng khác vận hành kém hiệu quả. Bác sĩ Alyson Myers thuộc Mạng lưới y tế Northwell Health (New York) cho biết những nguyên nhân dẫn đến rối loạn trên có thể là do béo phì, thiếu dinh dưỡng, và tiền sử bệnh tật trong gia đình. “Để phát hiện tiểu đường, chúng tôi làm thử nghiệm dung nạp glucose bằng đường miệng (oral glucose-tolerance test) khi nhịn ăn”, Myers nói.

Thứ nữa, tế bào cũng có thể phát triển khả năng kháng insulin, khiến cho tụy cần phải sản sinh thêm nhiều insulin hơn để làm giảm lượng đường huyết về mức thông thường. Lâu dần, cơ thể sẽ không còn khả năng đáp ứng đủ lượng insulin cần thiết để duy trì sự cân bằng đường huyết, trong khi đường vẫn tiếp tục được đổ vào cơ thể.

Tuy nhiên, có lẽ phải mất hàng thập kỉ để phát hiện ra lượng đường huyết tăng cao. Điều này thường xảy ra khi tuyến tụy vẫn hoạt động tốt khiến lượng đường huyết đo được bình thường, trong khi khả năng kháng insulin của tế bào lại ngày càng tăng – theo Joy Stephenson Laws, sáng lập viên của Phòng nghiên cứu Proactive Health (pH labs), một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm cung cấp các chương trình và công cụ giáo dục chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, bà còn viết cuốn “Khoáng chất – Dinh dưỡng bị lãng quên: Vũ khí bí mật giúp bạn sống khỏe” (Minerals – The Forgotten Nutrient: Your Secret Weapon for Getting and Staying Healthy, Proactive Health labs, 2016).

Theo Thư viện Y học quốc gia Mỹ, các chuyên gia y tế có thể kiểm tra chỉ số đường huyết bằng xét nghiệm A1C – đối với các bệnh nhân tiểu đường type 2 và tiền tiểu đường – để đo lượng đường huyết trung bình trong vòng 3 tháng. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng có thể sử dụng A1C hoặc kết hợp với các phương pháp xét nghiệm khác để đưa ra chẩn đoán. Ngoài ra, A1C còn được áp dụng để xem xét tình hình kiểm soát tiểu đường của cơ thể – khác với những xét nghiệm đường huyết mà bệnh nhân tiểu đường vẫn tự làm hằng ngày.

Trong trường hợp đường huyết tụt xuống quá thấp, ở mức dưới 70mg/dl (chứng Hypoglycemia), khi đó cơ thể sẽ không tự bổ sung đủ đường. Theo Mayo Clinic, các triệu chứng của Hypoglycemia bao gồm:

- Râm ran quanh vòm miệng

- Run rẩy

- Ra mồ hôi

- Nhịp tim không đều

- Mệt mỏi

- Da nhợt nhạt

- Khóc trong khi ngủ

- Bất an

- Đói

- Khó chịu

Kiểm soát lượng đường huyết

Stephenson-Laws cho hay, chúng ta có thể giữ lượng đường huyết ở mức hợp lý nhờ một số biện pháp sau:

Duy trì cân nặng

Hãy nói chuyện với những chuyên gia chăm sóc sức khỏe để được lời khuyên về mức cân nặng lý tưởng trước khi thực hiện bất cứ chương trình ăn kiêng hay giảm cân nào.

Cải thiện chế độ dinh dưỡng

Hãy tìm và lựa chọn các loại thực phẩm tươi chưa qua chế biến như hoa quả và rau củ, hơn là đã qua chế biến sẵn. Những thực phẩm chứa nhiều đường bột dạng đơn giản như bánh quy cũng rất dễ bị tiêu hóa bởi cơ thể, làm tăng lượng insulin và tạo gắng nặng cho tụy. Thứ nữa, nên chọn các chất béo bão hòa thay cho chưa bão hòa, bên cạnh những thực phẩm giàu chất xơ. Và hãy ăn thêm các loại hạt, rau củ, rau thơm, rau gia vị, …

Gia tăng vận động

30 phút đi bộ nhanh mỗi ngày có thể giúp làm giảm đáng kể lượng đường huyết và tăng cường độ nhạy cảm với insulin.

Kiểm tra lượng chất khoáng

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng Ma-giê (Mg) đóng vai trò quan trọng hỗ trợ hoạt động của insulin. Do vậy, bên cạnh những lợi ích sức khỏe khác mà nó mang lại, Mg cũng rất cần thiết để làm giảm sự kháng insulin.

Kiểm tra lượng insulin

Các bác sĩ thường sẽ đo lượng đường huyết và tiến hành xét nghiệm A1C để phát hiện bệnh nhân tiểu đường type 2. Khi đó, hãy nhớ kiếm trả cả lượng insulin.