Những đứa trẻ tự kỷ rồi sẽ lớn thành những người trưởng thành tự kỷ và phụ huynh đều trăn trở câu hỏi: “Chuyện gì sẽ xảy ra với con khi tôi chết đi?”. Câu chuyện về Donald Gray Triplett, người đầu tiên được chẩn đoán tự kỷ trên thế giới, có thể sẽ đem tới câu trả lời.

Những bậc phụ huynh làm theo tiếng nói con tim

Donald Gray Triplett sinh năm 1933 tại Forest, Mississippi (Mỹ). Cha ông là Beamon, một luật sư; còn mẹ ông tên Mary, là giáo viên. Ngay từ khi sinh ra, Donald đã không giống những đứa trẻ khác. “Thằng bé dường như chẳng bao giờ vui vẻ khi thấy bố mẹ mà thu vào chiếc vỏ”, cha ông miêu tả con trai.

Donald tự đóng kín trong thế giới riêng với logic và ngôn ngữ dị biệt. Cậu bé có thể bắt chước một số từ nhưng chỉ đơn thuần nhại lại chứ không hiểu ý nghĩa. Ví dụ, Donald nói đi nói lại cụm từ “hoa cúc” hoặc câu “tôi sẽ thêm vào dấu chấm phẩy”.

Beamon cùng Mary cố gắng chăm sóc, chỉnh sửa cho con nhưng không thu được kết quả. Donald chẳng màng tới đám đồ chơi trẻ em họ mang về, thậm chí làm ngơ trước bộ đồ hóa trang Ông già Noel dành cho cậu. Thế nhưng, vợ chồng Triplett biết chắc con trai sở hữu trí thông minh tuyệt vời. Mới lên 2 tuổi rưỡi, Donald đã hát nhiều bài thánh ca Giáng sinh một cách hoàn hảo dù trước đó chỉ nghe đúng một lần. Bên cạnh đó, cậu bé còn ghi nhớ chính xác thứ tự các hạt cườm mà Beamon xâu ngẫu nhiên vào dây.

Đáng tiếc, món quà trí tuệ Donald được trao không đủ để thay đổi quyết định của các bác sĩ thời bấy giờ. Giữa năm 1937, Beamon và Mary phải đưa con tới Viện Preventorium, nơi dành cho trẻ “không bình thường”. Khi đã mang con đến nơi này, mọi phụ huynh đều được khuyên hãy quên đứa bé đi để sống tiếp. Tuy vậy, nhà Triplett vẫn tới thăm con hằng tháng. Sau mỗi chuyến thăm, họ lại tranh luận xem có nên đưa Donald về nhà hay không.

Donal (trái) và em trai Oliver đi dạo ở Forest hôm 21/1/2016. Ảnh: Justin Sellers/The Clarion-Ledger

Cuối năm 1938, Beamon và Mary làm theo tiếng nói con tim. Donald rời Viện Preventorium rồi gặp gỡ bác sĩ Leo Kanner ở Baltimore, Maryland.

Ban đầu, Kanner không khỏi bối rối. Ông không biết nên xếp loại vấn đề của Donald như thế nào. Trải qua vô số lần tiếp xúc cũng như xem xét thêm các trường hợp khác, năm 1942, vị bác sĩ xuất bản bài báo khoa học gây chấn động và đưa ra thuật ngữ mới mang tên tự kỷ. Từ đây, Donald trở thành bệnh nhân tự kỷ đầu tiên trên thế giới.

Một cuộc đời trái với tưởng tượng

Kết thúc chẩn đoán, Donald cùng gia đình trở về quê hương. Chẳng ai còn nghe về gia đình Triplett cho tới năm 2007 khi hai nhà báo John Donvan và Caren Zucker từ ABC News tới thăm Forest, Mississippi.

Trái với tưởng tượng, Donald có một cuộc đời khỏe mạnh, hạnh phúc. Không chỉ hoàn thành cấp ba, ông còn vào đại học rồi nhận liền hai bằng cử nhân Toán và Tiếng Pháp. Lớn lên, Donald đảm nhận vị trí nhân viên giao dịch tại ngân hàng do họ ngoại làm chủ. Ông lái xe và chơi golf thành thạo, đồng thời tự đi du lịch khắp nước Mỹ cùng nhiều quốc gia khác.


Trong cuốn sách “In a Different Key”, Donvan và Zucker nhận định chính cha mẹ, đặc biệt là người mẹ, đã giúp Donald thoát khỏi “án tù chung thân” ở Viện Preventorium. Không chỉ đưa con trai về nhà, bà Mary còn nỗ lực không mệt mỏi nhằm kết nối Donald với thế giới xung quanh, để ông hình thành ngôn ngữ và biết chăm sóc bản thân.

“Mẹ nhận ra rằng ngôi viện ấy không phải câu trả lời", Oliver, em Donald nói về bà Mary. Thiếu bà, hẳn trí thông minh bẩm sinh của Donald chẳng bao giờ nở rộ.

Một điều đặc biệt khác về Donald chính là sự ủng hộ to lớn từ cộng đồng. Hết thảy 3.000 dân ở vùng Forest đều công nhận Donald như một thành viên quan trọng và tình nguyện bảo vệ, bao bọc ông. Ngày Donvan và Zucker đến Forest, ít nhất ba người đã cảnh bảo họ đừng làm tổn thương Donald, nếu không sẽ phải trả giá.

Hội chứng tự kỷ không hề biến mất mà mãi mãi còn đó. Donald bị hạn chế về nhiều mặt song cuộc đời ông vẫn tràn đầy niềm vui. Ở tuổi 84, ông vẫn đều đặn lái xe dạo quanh, đi nhà thờ, tụ tập uống cà phê và tới ngân hàng trò chuyện với các nữ nhân viên.

Câu chuyện về Donald mang tới hy vọng về tương lai cho những người đồng cảnh với ông: Cụm từ “tự kỷ” không có nghĩa là dấu chấm hết bởi mọi cá nhân đều tiềm ẩn khả năng phát triển, học hỏi. Như Donald, dù trễ đôi chút, vẫn có thể chạm đến hàng loạt cột mốc quan trọng.

Trong cuốn kỷ yếu trung học năm 1953, Donald viết: “Tôi chúc cho bản thân may mắn”. Dường như điều này đã trở thành sự thật.

Tự kỷ là rối loạn phát triển ảnh hưởng đến tương tác xã hội, giao tiếp, sở thích, hành vi và kéo dài suốt đời. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 160 người thì có một trường hợp tự kỷ.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ước tính Việt Nam có khoảng 200.000 người mắc hội chứng tự kỷ nhưng nếu tính theo tỷ lệ WHO đưa ra, con số này vào khoảng 500.000.

Hiện các nhà khoa chưa rõ nguyên nhân cũng như cách phòng ngừa, điều trị tự kỷ. Tuy nhiên, phát hiện và can thiệp sớm bằng liệu pháp nói và ngôn ngữ, lao động, hỗ trợ học tập sẽ giúp người mắc hội chứng tự kỷ hòa nhập.