Đến thời điểm này, mọi công việc ở Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắcxin và sinh phẩm y tế (Polyvac) đã ổn định sau những ngày lạc nhịp khi GS-TS Lê Thị Luân qua đời.


Vị sếp nữ không giống ai

Trung tâm Polyvac ở phố Lò Đúc, Hà Nội - nơi làm việc lúc sinh thời của GS-TS Lê Thị Luân - “cha đẻ” vắcxin ngừa tiêu chảy do virus Rota - ngổn ngang gạch vữa trong những ngày cuối năm Ất Mùi. Trung tâm đang hoàn tất việc sửa chữa, nâng cấp để đạt GMP (Tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc của Tổ chức Y tế thế giới - WHO) - một trong những việc mà cố GS Luân luôn đốc thúc để sản phẩm của trung tâm có thể xuất ngoại. Các cộng sự cũ của bà tại Phòng kiểm định vắcxin dồn lại, cùng làm việc trong một căn phòng nhỏ tầng 4. Đối với họ, GS Luân dường như mới chỉ đi vắng ít ngày.

Trong tâm trí TS Trần Thị Bích Hạnh - học trò và cũng là cộng sự của GS Lê Thị Luân hơn 20 năm qua, hình dung về bà vẫn sống động như mới hôm qua: “Cứ 7 giờ sáng, chị Luân đạp xe lóc cóc lên cơ quan với một cặp lồng cơm. Đến khoảng 8 giờ tối, vẫn treo cái cặp lồng ấy, chị lại đạp xe về. Từ ngày hai con đi du học hết, một thân một mình, chị ở cơ quan nhiều hơn ở nhà”.

GS-TS Lê Thị Luân (ngoài cùng bên phải) trong ngày nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2013.
GS-TS Lê Thị Luân (ngoài cùng bên phải) trong ngày nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2013.

Là Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Trung tâm Polyvac nhưng GS Lê Thị Luân không dùng phòng làm việc riêng. Hằng ngày, bà sinh hoạt, làm việc với mọi người ở phòng kiểm định. “Chị Luân ở một mình, ăn uống sinh hoạt cũng một mình nên nhiều khi thèm bữa cơm gia đình. Thi thoảng chị lại hô hào mọi người trong phòng tổ chức nấu ăn hoặc kéo nhau ra ngoài ăn” - TS Hạnh kể. Về chuyện ăn uống của vị nữ giáo sư, mọi người ở Polyvac “bật mí” thêm rằng, chẳng biết từ khi nào, bà có thói quen thỉnh thoảng nấu cháo thập cẩm gạo lứt mang tới cơ quan. Gạo lứt vốn là lương thực chính nuôi đàn khỉ ở đảo Rều (Cẩm Phả, Quảng Ninh) - nơi cung cấp nguồn khỉ sạch duy nhất tại Việt Nam để sản xuất vắcxin Sabin phòng bệnh bại liệt (trước đây, Polyvac có tên là Trung tâm khoa học sản xuất vắcxin Sabin).

Tất thảy đồng nghiệp đều nói rằng bên cạnh các loại vắcxin, chính GS Luân cũng là “đặc sản của Polyvac”. Bà có lịch làm việc chẳng giống ai, không có ngày nghỉ, không có khái niệm chủ nhật. “Nếu ngày cuối tuần nào bác Luân không lên cơ quan thì ắt là về quê thôi. Bác Luân không biết đi xe máy nên mỗi lần về quê đều đi xe buýt, lần nào từ quê ra cũng tay xách nách mang nhiều đồ lắm” - bà Trần Thị Phương Thảo ở Phòng kiểm định vắcxin nhớ lại.

Bình dị, gần gũi nhưng GS Lê Thị Luân vẫn khiến những người mới chân ướt chân ráo về Polyvac “thót tim” vì tính tình thẳng thắn của mình. “Bị bác Luân mắng là chuyện bình thường, làm không đúng ý là bác mắng ngay, chỉ chỗ sai ngay” - bà Thảo nói. TS Bích Hạnh cũng nhận xét, GS Luân trong đời thường rất vui tính nhưng trong công việc lại mạnh mẽ và quyết đoán, quyết sách gì đưa ra cuộc họp cũng nhanh và chính xác.

Là người chứng kiến sự trưởng thành của cố GS Luân từ khi mới ra trường đến khi họ trở thành cộng sự, TS Nguyễn Thị Quỳ chọn riêng hai từ “doctor Luân” khi nhắc tới bà: “Doctor Luân vốn được đào tạo làm bác sỹ nội nhi, có hẳn thời gian làm bác sỹ nội trú nhưng rồi định mệnh lại run rủi về Trung tâm Sabin”.

TS Quỳ cho biết, GS Lê Thị Luân đã ra đi hơn 6 tháng nhưng các đồng nghiệp vẫn hay kể với nhau là nằm mơ thấy bà, đơn giản vì với giới khoa học, công việc nghiên cứu luôn “ám” trong đầu, mà công việc ở Trung tâm Polyvac lại gắn với GS Luân.

“Không ai nghĩ là doctor Luân đã mất. Mọi người vẫn cảm nhận cô ở bên cạnh như một thói quen, vẫn có cảm giác cô ấy mặc blouse trắng đi trong phòng thí nghiệm, lên phòng cùng làm việc với mình, đang sang sảng trong cuộc họp hoặc đòi hồ sơ...” - TS Nguyễn Thị Quỳ bồi hồi.

Và nhà khoa học có phong cách khác người và lối làm việc hết mình đó đã cứu hàng nghìn đứa trẻ khỏi nguy cơ tử vong vì bệnh tiêu chảy do Rota virus nhờ nghiên cứu sản xuất thành công vắcxin phòng bệnh này. Việt Nam là nước thứ hai tại châu Á và là nước thứ tư trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được vắcxin ngừa virus Rota.

Những giấc mơ dang dở sắp thành hiện thực

Tháng 8/2015, khi đang ở độ chín của sự nghiệp, của tri thức, GS-TS Lê Thị Luân đột ngột ra đi, để lại những dự án vắcxin còn dang dở và kế hoạch đưa vắcxin Việt Nam xuất ngoại chưa kịp hoàn thành.

Nói về những trăn trở của GS Luân trong vai trò quản lý, TS Nguyễn Thị Quỳ chia sẻ: “Khi doctor Luân còn sống, cô ấy luôn nói việc thiết yếu phải làm sớm là tu sửa trung tâm để có cơ sở vật chất đạt chuẩn GMP của WHO, nhưng phải làm sao để trong thời gian trung tâm ngừng hoạt động để tu sửa, anh chị em vẫn có thu nhập từ việc viết sách, làm đề tài”.

GS Luân luôn tâm niệm, dù nghiên cứu vắcxin gì cũng phải nghĩ đây là sản phẩm sẽ dùng cho chính con cháu mình. Vì thế, sau thành công của vắcxin Rota, bà lại lao vào hàng loạt nghiên cứu khác. Cho đến lúc ra đi, bà vẫn đang phụ trách và tham gia 3 đề tài quan trọng, gồm vắcxin bại liệt bất hoạt, vắcxin tay - chân - miệng và vắcxin đa giá. Trong đó, nghiên cứu tạo vắcxin tay - chân - miệng đã xong khâu tạo chủng giống, dự án vắcxin bại liệt bất hoạt đã qua giai đoạn tiền lâm sàng.

Theo TS Đặng Mai Dung, nhiều tháng trước khi qua đời, GS Luân đặc biệt quan tâm tới việc áp dụng quy trình mới bảo quản vắcxin Rota. Với công nghệ mới, chỉ cần trữ lạnh vắcxin ở nhiệt độ 2-80C thay vì dùng dây chuyền lạnh từ -20 đến -800C như hiện nay. “Chị Luân đã nhiều lần làm việc với giáo sư bên Mỹ, ông ấy hứa cấp kinh phí hỗ trợ dự án. Chị cũng đã lên đề cương xin cấp phép đề tài này” - TS Dung chia sẻ.

Những kế hoạch dở dang của GS Luân đang được các cộng sự của bà tiếp nối. Trong số đó có một giấc mơ sẽ trở thành hiện thực trong nay mai, đó là việc xuất khẩu vắcxin của Polyvac. Khi hoàn tất việc sửa chữa, nâng cấp, trung tâm sẽ được WHO chứng nhận đạt tiêu chuẩn GMP và sản phẩm của Polyvac sẽ xuất hiện trên thị trường quốc tế.

Cố GS-TS Lê Thị Luân sinh năm 1962 tại Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội về đa khoa nội nhi. Sau khi lấy bằng bác sỹ nội trú năm 1989, bà làm việc tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và đến năm 1994 thì được phân về Phòng kiểm định vắcxin thuộc Trung tâm Polyvac.
Năm 2013, GS Luân nhận giải thưởng Kovalevskaia cho công trình sản xuất vắcxin Rotavin-M1 và thành công này cũng đem lại cho bà giải nhất Nhân tài đất Việt 2014 ở hạng mục y dược. Vắcxin phòng tiêu chảy do virus Rota này được đưa ra thị trường từ tháng 5/2012 và đã được tiêm cho hàng nghìn trẻ em tại 60 tỉnh, thành phố. Nếu vắcxin này được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, Polyvac có thể đáp ứng 3-4,5 triệu liều mỗi năm.