Một nghiên cứu dẫn đầu bởi Trường Y khoa Đại học Boston (Mỹ) đã làm dịu đi những mối lo ngại trong cộng đồng sau khi tiết lộ không có mối liên hệ giữa số lượng hoặc thời gian siêu âm trước khi sinh và sự phát triển của chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) ở trẻ sau này.

Trong những năm gần đây, các thiết bị siêu âm công suất cao – loại có thể tạo ra hình ảnh 3D về đặc điểmcủa thai nhi – đã trở thành một công cụ ngày càng phổ biến để theo dõi em bé ngay từ trong bụng mẹ. Do tỷ lệ trẻ được chẩn đoán ASDtăng mạnh trong cùng khoảng thời gian trên, việc thai nhi tiếp xúc với sóng siêu âm nhanh chóng được cho là một nhân tố tiềm ẩn gây ra ASD.

Một số thí nghiệm tiến hành trên bào thai động vật sau đó cho thấy, những thiết bị này có thể làm thay đổi quá trình hình thành não, ảnh hưởngđến trí nhớ, khả năng học tập và hành vi của con vật khi chào đời. Để đánh giá mối liên hệ trên đối với cơ thể người, nhóm nghiên cứu xem xét hồ sơ khám sức khỏe của 107 trẻ em mắc chứng ASD,104 trẻ em chậm phát triển nhưng không mắc ASDvà 209 trẻ có sự phát triển thần kinh bình thường.

Ảnh: thinkstock

Dữ liệu cho thấy, tất cả những trẻ bình thường, những trẻ mắc ASD hoặc chậm phát triển đều tiếp xúc vớicùng số lần siêu âm trung bình (khoảng 6 lần) khi nằm trong bụng mẹ, ngoài ra thời gian thực hiện cho mỗi lần quét cũng tương tự nhau. Chỉ số nhiệt trung bình (average thermal index)– lượng nhiệt nóng lên của mô bào thai xảy ra trong một lần quét – cũng giống nhau giữa các nhóm.

“Trong hầu hết các tham số chúng tôi xem xét, phương pháp siêu âm có vẻ như hoàn toàn an toàn”, N. Paul Rosman, đồng tác giả của nghiên cứu đăng trên tạp chí JAMA Pediatrics vào tháng 2/2018, cho biết. Sự khác biệt duy nhất giữa các nhóm là chiều sâu mà sóng siêu âm xâm nhập vào mô của bào thai và người mẹ. Các lần quét của thai nhi mắc ASD trong 6 tháng đầu của thai kỳ có độ sâu trung bình cao hơn một chút so với những lần quét được thực hiện trên bào thai bình thường.

Phương pháp siêu âm bao gồm việc truyền các xung âm thanh tần số cao vào mô, tạo ra một hình ảnh từ mô hình sóng phản xạ hoặc sóng phân tán. Mặc dù tần suất sử dụng siêu âm để chụp ảnh trong lĩnh vực y khoa từ lâu được coi là an toàn, nhưng Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo rằng nên hạn chế siêu âm do các ảnh hưởng phụcủa nó có thể chưa được khám phá hết.

Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng, quá trình quét sâu hơn có thể dẫn đến sự gia tăng xâm nhập sóng âm qua hộp sọ vào trong não của bào thai,làm thay đổi sự phát triển của tế bào não. Họ cũng kêu gọi thêm nhiều nghiên cứu trong tương lai để tìm hiểu mối liên hệ giữa độ sâu quét siêu âm và ASD.

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo nên hạn chế siêu âm do các ảnh hưởng phụ của nó có thể chưa được khám phá hết.