Được biến đến với tác dụng điều trị trầm cảm, nhưng thuốc mê ketamin lại không hoạt động theo cơ chế thông thường, mà cần thiết phải kích hoạt được các thụ quan opioid (dược phẩm có gốc gây nghiện để giảm đau hoặc gây ngủ) trong cơ thể - theo một nghiên cứu mới của Đại học Stanford, đăng trên tạp chí Tâm thần học Mỹ.

Các tác giả tin rằng chúng ta đang ở vào thời kỳ “khủng hoảng opioid” bởi nhu cầu đối với những loại thuốc giảm đau nhóm opioid tăng vọt. Từ các kết quả phân tích, nhóm đưa ra cảnh báo, rằng không nên sử dụng ketamin liên tục, dù là để điều trị chứng trầm cảm, cho tới khi có những nghiên cứu sâu hơn về cơ chế hoạt động của thuốc cùng các nguy cơ đối với sức khỏe nếu bị lạm dụng.

Từ lâu, ketamin đã được dùng để thực hiện công việc gây mê trong bệnh viện; ngoài ra nó còn trở nên phổ biến tại các tụ điểm hay hộp đêm với tên gọi “Special K”, giống một loại thuốc lắc trái phép. Các nghiên cứu trong những năm gần đây đã chỉ ra ketamin có tác dụng [mạnh và nhanh chóng] đối với các bệnh nhân trầm cảm. Nếu các loại thuốc trầm cảm khác phải mất đến vài tuần mới cho thấy hiệu lực, thì ketamin có khả năng giúp cải thiện tình trạng của bệnh nhân chỉ trong một vài giờ. Vì vậy, ketamin đã nổi lên như một liệu pháp đầy hứa hẹn và được các bác sĩ kê vào đơn cho những bệnh nhân khổ sở vì chứng trầm cảm nặng.

Nguồn: Shutterstock

Tuy vậy, cơ chế hoạt động của ketamin hiện vẫn còn là một ẩn số. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, sở dĩ nó đạt được hiệu quả trong điều trị trầm cảm là nhờ khả năng ngăn chặn các thụ quan không tiếp nhận glutamate – hóa chất do não bộ tiết ra, liên quan đến sự thay đổi tâm trạng. Hiện nay, hầu hết những nỗ lực nhằm phát triển loại thuốc có tác dụng tương tự (ức chế hoạt động của thụ thể glutamate) đều chưa thành công.

Trong nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học tại Stanford đặt giả định rằng ketamine, ít nhất đã kích hoạt các thụ thể tiếp nhận opioid để đạt hiệu quả chữa trị. Nhằm kiểm chứng giả thiết này, 12 bệnh nhân trầm cảm đã được cho sử dụng naltrexone (thuốc chống gây nghiện) trước khi tham gia điều trị bằng ketamine.

Những người tham gia nghiên cứu đều đã thử ít nhất bốn loại thuốc điều trị trầm cảm nhưng không có hiệu quả. Sau đó, tất cả bệnh nhân được truyền ketamine hai lần – một lần sau khi truyền naltrexone và một lần sau khi uống thuốc an thần thay cho thuốc chống opioid, mỗi liều được truyền cách nhau một tháng.

Tuy nhiên, không ai trong số bệnh nhân và các nhà nghiên cứu được biết thứ tự sử dụng của naltrexone và thuốc an thần là trước hay sau liều ketamin. Kết quả cho thấy những bệnh nhân sử dụng ketamin kết hợp với thuốc an thần có biểu hiện trầm cảm giảm đi đáng kể, còn những bệnh nhân được truyền naltrexone, ketamin tỏ ra vô hiệu. Tuy nhiên, những bệnh nhân sử dụng naltrexone vẫn trải qua “hiệu ứng phân ly” do ketamin, bao gồm ảo giác. Hậu quả cho thấy quá rõ rệt khiến các nhà khoa học nhanh chóng dừng lại nghiên cứu để tránh có thêm người trải qua liệu trình “vô dụng và độc hại” – ám chỉ liệu pháp dùng ketamin và naltrexone.

Do quy mô nghiên cứu lần này còn khá nhỏ nên phát hiện cần được kiểm chứng thêm qua nhiều nghiên cứu sâu hơn, theo giáo sư Mark George, Đại học Y South Carolina. Ông cũng lưu ý cẩn thận trọng khi sử dụng ketamin trong điều trị trầm cảm, vì nếu lạm dụng ketamin, bệnh nhân có thể bị phụ thuộc vào opioid. Ông liên hệ các hậu quả của sử dụng thuốc giảm đau opioid quá liều, cũng như trầm cảm và tự tử với hình ảnh con quỷ nhiều đầu Hydra trong thần thoại Hy Lạp.