Chế độ ăn nhiều muối có thể tiêu diệt vi khuẩn Lactobacillus trong ruột. Điều này góp phần làm tăng huyết áp và gây ra các bệnh ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.

Từ những nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học đã biết về mối liên hệ giữa huyết áp cao và chế độ ăn nhiều muối. Nhưng gần đây họ phát hiện ra rằng, chế độ ăn mặn cũng có thể thúc đẩy sự phát triển của các bệnh tự miễn dịch, chẳng hạn như bệnh đa xơ cứng (MS).

Trong nghiên cứu được trình bày tại hội nghị của Hiệp hội Tim mạch Anh ở Manchester vào tháng 6/2018, các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Lâm sàng (ECRC)và Trung tâm Y học Phân tử Max Delbrück ở Berlin (Đức) đã phát hiện cơ chế đứng đằng sau mối liên kết này. Họ nhận thấy việc tiêu thụ muối với số lượng lớn có thể giết chết vi khuẩn Lactobacillus, do đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nói trên.

Nguồn: Medical News Today.

Lactobacillus là vi khuẩn đường ruột, thường có mặt trong một số loại thực phẩm lên men như sữa chua, pho mát, dưa cả bắp. Chúng được coi là “vi khuẩn tốt” khi giúp con người chống lại một số loại bệnh nhất định.

Đầu tiên, nhóm nghiên cứu tiến hành thử nghiệm trên chuột. Họ phát hiện vi khuẩn Lactobacillus bị tiêu diệt khi chuột được cho ăn nhiều muối. Chế độ ăn mặn cũng khiến huyết áp chuột tăng lên, đồng thời làm gia tăng hoạt động của các tế bào miễn dịch gây viêm TH17. Những con chuột cũng có triệu chứng của một loại bệnh tương tự như bệnh đa xơ cứng, gọi là bệnh viêm não tủy (encephalomyelitis). Ngoài ra, các triệu chứng viêm não tủy và số lượng tế bào TH17 ở chuột bị giảm xuống sau khi các nhà khoa học bổ sung lợi khuẩn Lactobacillus cho chuột. Vi khuẩn bổ sung này cũng giúp ổn định huyết áp của con vật.

Nhóm nghiên cứu sau đó tiến hành thử nghiệm trên người. Họ tuyển 12 tình nguyện viên là nam giới khỏe mạnh. Các tình nguyện viên tiêu thụ thêm 6 gram muối mỗi ngày trong 2 tuần, tăng gấp đôi lượng muối ăn vào. Sau 2 tuần, các nhà nghiên cứu nhận thấy ở hầu hết những người tham gia, lợi khuẩn Lactobacillus đã bị loại bỏ khỏi microbiome – hệ sinh thái của các vi sinh vật sống trong hệ tiêu hóa của con người. Giống như nghiên cứu ở chuột, những người đàn ông tham gia nghiên cứu cũng có huyết áp cao hơn và tăng số lượng tế bào TH17.

Các nhà khoa học lưu ý rằng, cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu trong tương lai để hiểu rõ hơn về sự tương tác giữa vi khuẩn đường ruột với các hệ thống khác trong cơ thể, chẳng hạn như sức khỏe tim mạch. Họ hy vọng, các lợi khuẩn sẽ cung cấp những phương pháp điều trị mới cho bệnh huyết áp cao.

“Chúng ta nên xem xét hệ vi khuẩn đường ruột như một biện pháp để điều trị những căn bệnh bị làm trầm trọng thêm do ăn nhiều muối, chẳng cao huyết áp và tình trạng viêm”, Dominik N. Müller, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết. “Chúng tôi không loại trừ khả năng có những vi khuẩn nhạy cảm với muối khác cũng quan trọng như Lactobacillus.”