Một sức khỏe (One Health) hiện đang là một hướng phát triển và ứng dụng quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe con người dựa vào sự phối hợp và hiểu biết mối quan hệ chặt chẽ giữa sức khỏe con người, sức khỏe động vật và môi trường. Ở Việt Nam, để chương trình Một sức khỏe phát triển lớn mạnh và hiệu quả cần có sự phối hợp xuyên ngành.

Khu vực châu Á trong đó có Việt Nam được xác định là một trong năm “điểm nóng” toàn cầu có nguy cơ rất cao xuất hiện các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới nổi1 bao gồm các bệnh lây truyền từ vật nuôi, động vật hoang dã hoặc hệ sinh thái.

Bệnh truyền nhiễm mới nổi đã được ghi nhận ở Việt Nam trong thập kỷ qua gồm: Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS, 2003), cúm gia cầm (cúm A/H5N1, 2003) và cúm đại dịch (cúm A/H1N1, 2009). Trong cùng thời kỳ, các dịch bệnh trên vật nuôi như hội chứng rối loạn và suy giảm hô hấp trên lợn/bệnh tai xanh (PRRS), lở mồm long móng (FMD), cúm lợn cổ điển (CSF) đã gây ra những tổn thất lớn về mặt kinh tế, trong đó một số dịch bệnh có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Để kiểm soát một cách hiệu quả các bệnh lây truyền từ động vật sang người các nước trên thế giới đều đang cố gắng tự bản thân mình cũng như hợp tác với các nước khác để kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả bằng cách sử dụng những cách tiếp cận toàn diện, phối hợp đa ngành, tích hợp đối với sức khỏe con người và động vật cũng như các bối cảnh xã hội và môi trường của chúng.

“Một sức khỏe” (One Health) là cách tiếp cận đang thu hút được nhiều sự chú ý ở các diễn đàn khoa học quốc gia, khu vực và quốc tế để đạt được sức khỏe tối ưu cho người, động vật và môi trường. Hiểu theo cách khác, cách tiếp cận Một sức khỏe kêu gọi một sự thay đổi mô hình phát triển, thực hiện và duy trì chính sách y tế mà có sự tham gia chủ động hơn của ngành Y tế, Thú y, Khoa học môi trường, Sinh học, Sinh thái học, Công nghệ thực phẩm và các ngành khác có liên quan đến sức khỏe.

Tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Y tế đã từng được các tổ chức quốc tế như WHO, FAO, OIE đánh giá là đã phối hợp tốt với nhau và kiểm soát thành công các đợt dịch bệnh như SARS và cúm H5N1. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều thách thức để Một sức khỏe hoạt động được trong điều kiện thực tế cũng như áp dụng trên diện rộng cho mục tiêu bảo vệ sức khỏe. Thực tế cho thấy, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với các bệnh truyền nhiễm, và Việt Nam nằm trong khu vực điểm nóng của bệnh truyền nhiễm, nơi chịu ảnh hưởng của các yếu tố như tăng dân số, đô thị hóa, di chuyển, và những thay đổi của môi trường.

Đại dịch cúm A/H1N1 tại Việt Nam năm 2009 với 9.868 ca bị mắc trong đó có 22 ca tử vong (theo báo cáo của Bộ Y tế tính đến 30/9/2009). Ảnh: VTC

Vậy làm thế nào để giải quyết được hài hòa và bền vững những vấn đề này? Các giải pháp cần phải có sự kết hợp của khoa học và kỹ thuật và các hợp tác liên ngành của các bên liên quan - đây là quan điểm của xuyên ngành (transdisciplinarity).

Xuyên ngành không có nghĩa chỉ là sự có mặt của nhiều chuyên ngành (multi-disciplinarity) hay sự phối hợp liên ngành (inter-disciplinarity) khi cùng phân tích một vấn đề, mà đó là khi tính liên ngành được sử dụng để làm chuyển biến kiến thức khoa học phục vụ cho việc giải quyết một vấn đề thực tế của xã hội. Nói một cách khác, xuyên ngành tạo nên được sự phối hợp, hiểu biết, chấp nhận và thông cảm lẫn nhau giữa các kiến thức hàn lâm với nhau (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn) cũng như với giới không hàn lâm (hoạch định chính sách, cộng đồng, kinh nghiệm địa phương,…) trong suốt quá trình nghiên cứu.

Bên cạnh đó cần chú trọng phát triển Chương trình đào tạo Một sức khỏe cho các trường Đại học ở Việt Nam, như ý kiến của TS Phạm Đức Phúc2 tại hội nghị quốc tế về Vi sinh vật và Một sức khỏe lần thứ nhất (MOH-VN 2018) diễn ra mới đây tại TPHCM. Theo đó, vai trò của của các trường đại học rất cần thiết trong việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo Một sức khỏe nhằm tạo ra nguồn nhân lực có đầy đủ kiến thức và kỹ năng thực hành Một sức khỏe. Nhờ sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), trường Đại học Minnesota và trường Đại học Tufts đã thông qua dự án xây dựng và phát triển nguồn nhân lực Một sức khỏe “Mạng lưới Một sức khỏe các trường đại học Việt Nam (VOHUN)”.

VOHUN đã được thành lập từ năm 2011 với sự tham gia của 20 trường đại học bao gồm các chuyên ngành Y tế công cộng, Y học dự phòng, Bác sĩ đa khoa, Điều dưỡng, Chăn nuôi Thú ý, Môi trường và Công nghệ thực phẩm. Một trong những nội dung hoạt động chính của mạng lưới vùng và quốc gia này sẽ tập trung vào việc làm thay đổi cách đào tạo và nội dung đào tạo sinh viên trong khối trường đào tạo sức khỏe và nông nghiệp. Mục tiêu lâu dài là đào tạo những thế hệ sinh viên tốt nghiệp được trang bị những kiến thức theo hướng Một sức khỏe. Nghĩa là họ có một cách nhìn rộng về mối quan hệ sức khỏe con người, động vật và môi trường và có những kĩ năng hợp tác đa ngành để làm việc.

Như vậy, để giải quyết được một vấn đề sức khỏe phức tạp hiệu quả và bền vững, cần thiết phải có đội ngũ chuyên gia hợp tác xuyên ngành, những người được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng thực hành từ chương trình đào tạo Một sức khỏe của các trường đại học.

Chú thích:

1 - A.McLeod, Hoàng Xuân Trung & Nguyễn Văn Long, Ước tính hậu quả về mặt kinh tế của các bệnh truyền nhiễm mới nổi trên động vật ở Việt Nam, 2013.

2 - TS Phạm Đức Phúc - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Y tế công cộng và Hệ sinh thái; Điều phối viên Mạng lưới Một sức khỏe các trường Đại học Việt Nam.

Chương trình đào tạo Một sức khỏe gồm có 7 năng lực cốt lõi: Hợp tác và quan hệ đối tác, quản lý và lập kế hoạch, lãnh đạo, truyền thông và tin học, văn hóa và niềm tin, giá trị và đạo đức, tư duy hệ thống; bên cạnh đó là các năng lực chuyên môn: Khái niệm và kiến thức Một sức khỏe, bệnh truyền nhiễm cơ bản, quản lý bệnh truyền nhiễm, dịch tễ học và phân tích nguy cơ, y tế công cộng, sức khỏe sinh thái, phát triển hành vi và kinh tế Một sức khỏe.