Chọn món đồ đắt đỏ không cần thiết, hành động như một kẻ nghiện, luôn phòng vệ, sao nhãng công việc là những biểu hiện của chứng "nghiện" hàng hiệu.

Trong một cửa hàng của hãng thời trang xa xỉ Louboutins. Ảnh: Charliecinternational

Chọn món đồ đắt đỏ không cần thiết: Nếu bạn mua thêm một dụng cụ thể thao giá cắt cổ trong khi chẳng đủ tiền nuôi con, rõ ràng đó là vấn đề.

Hành động như một kẻ nghiện: Việc mua sắm của bạn ảnh hưởng tiêu cực tới người khác; bạn muốn dừng lại nhưng không thể; bạn giấu giếm vợ/chồng để mua đồ.

Luôn phòng vệ: Khi ai đó chỉ ra rằng bạn đã mua tới 7 đôi giày hiệu trong tuần và bạn chống chế, chứng tỏ đam mê mua sắm đang điều khiển bạn.

Sao nhãng công việc: Bạn trốn đi trong giờ làm để mua món đồ mình thích.

Để kiểm soát cơn nghiện mua sắm hàng hiệu, bạn cần theo dõi cách mình sử dụng thời gian và tiền bạc. Nhà hoạch định tài chính Mỹ Carl Richards cho biết, bạn có thể hiểu hơn về thói quen chi tiêu của bản thân bằng cách nhìn vào cách mình sử dụng thời gian.

“Bạn sắp đi nghỉ? Bạn thường xuyên đi du lịch hay ăn hàng? Nếu tôi muốn biết điều gì quan trọng trong đời bạn, tôi không quan tâm tới điều bạn nói mà sẽ xem những khoản chi tiêu và thời gian biểu của bạn. Hãy tự hỏi mình điều gì quan trọng nhất khi tiêu tiền và cái gì mình thực sự trân trọng; nếu câu trả lời là cho con vào đại học nhưng bạn lại tiêu xài thay vì tiết kiệm thì rõ ràng là có vấn đề” - Richards cho biết.

Ngoài ra, để kiểm soát chứng “nghiện” hàng hiệu, bạn cần định rõ một khoản tiền cho việc mua đồ xa xỉ, tuân thủ nó và cố gắng nghĩ đến những thứ khác. Các nghiên cứu cho thấy bạn có thể tạo ra mô hình và “lối mòn” mới cho não bằng cách bắt nó tập trung vào những thứ khác. Khi đó, bạn sẽ không quá bị ám ảnh bởi các món đồ ngốn cả đống tiến.