Các nhà khoa học Nhật Bản phát hiện một loại trầm cảm mới liên quan tới sự thiếu hụt protein RGS8.

Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần ảnh hưởng đến hơn 300 triệu người trên khắp thế giới. Hiện nay, hầu hết phương pháp điều trị trầm cảm đều dựa trên giả thiết về nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Các nhà khoa học cho rằng, bệnh trầm cảm xảy ra do não bị thiếu hụt hai loại hóa chất dẫn truyền thần kinh monoamine đó là serotonin và norepinephrine.

Trầm cảm là trạng thái buồn rầu, chán nản, không còn hứng thú gì trong cuộc sống. Ảnh: Shutterstock.
Trầm cảm là trạng thái buồn rầu, chán nản, không còn hứng thú gì trong cuộc sống. Ảnh: Shutterstock.

Khoảng 90% các loại thuốc chống trầm cảm hiện nay được chế tạo dựa trên mục tiêu làm tăng nồng độ của các hai hợp chất monoamine nói trên. Nhưng đối với một số bệnh nhân, việc uống thuốc không có tác dụng.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Neuroscience vào tháng 5/2018, các nhà khoa học tại Đại học Hiroshima (Nhật Bản) phát hiện một dạng trầm cảm mới, không liên quan đến hàm lượng của các hợp chất monoamine. Trên thực tế, hình thức trầm cảm mới có mối liên hệ với sự mất cân bằng protein, nên sẽ đòi hỏi một phương pháp điều trị hoàn toàn khác.

"30% số bệnh nhân uống các loại thuốc điều trị trầm cảm hiện nay không thấy hiệu quả. Rõ ràng, chúng ta cần một loại thuốc mới. Chúng ta cần một lời giải thích khác cho những gì có thể gây ra trầm cảm", Yumiko Saito và Yuki Kobayashi, hai thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.

Theo nhóm nghiên cứu, protein RGS8 trong não có khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ đến các chứng rối loạn tâm trạng, bởi vì RGS8 kích hoạt MCHR1 – thụ thể hormone đóng vai trò điều hòa rất nhiều thứ từ tâm trạng, giấc ngủ cho tới cảm giác thèm ăn. Mức độ thấp của protein RGS8 có thể gây ra sự mất cân bằng của cơ thể, dẫn đến những biểu hiện như trạng thái trầm cảm.

Để kiểm tra giả thiết này trên sinh vật sống, các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu trên hai nhóm chuột. Một nửa số chuột được biến đổi gene để có nhiều protein RGS8 hơn trong hệ thần kinh, trong khi nhóm chuột bình thường còn lại đóng vai trò là nhóm đối chứng. Cả hai nhóm chuột sau đó trải qua một bài kiểm tra bơi – thử nghiệm thường được sử dụng để đánh giá hành vi trầm cảm ở động vật. Những con chuột bất động trong một thời gian dài được cho là có biểu hiện của triệu chứng trầm cảm.

Kết quả cho thấy, những con chuột có nhiều protein RGS8 trong cơ thể ở tư thế bất động trong khoảng thời gian ngắn hơn so với những con chuột bình thường. Điều này chỉ ra rằng, chúng ít bị trầm cảm hơn.

Theo nhóm nghiên cứu, hiểu được vai trò của protein RGS8 trong việc gây ra trầm cảm có thể giúp phát triển một số loại thuốc chống trầm cảm mới trong tương lai, mang lại hiệu quả cho những người không bị ảnh hưởng bởi các phương pháp điều trị tập trung vào hợp chất monoamine.