10 tiếng trong phòng phẫu thuật, các bác sỹ tham gia kíp mổ trải qua đủ tâm trạng: hồi hộp, lo lắng, vui mừng,... TS Hoàng Văn Chương - Trưởng khoa Gây mê, Bệnh viện Quân y 103 - gọi đây là “trận đánh thứ 5” sau 4 ca ghép thận, gan, tim, tụy thận thành công trước đó.

Ca phẫu thuật với nhiều khó khăn, thử thách

Theo TS Hoàng Văn Chương - Trưởng khoa Gây mê (Bệnh viện Quân y 103) - người trực tiếp tham gia vào ca mổ - ca phẫu thuật này có nhiều cái khó. Dù trước đó, các bác sỹ của Bệnh viện Quân y 103 đã thực hiện 4 ca ghép thận, gan, tim, tụy thận vào lần lượt các năm 1992, 2004, 2010 và 2014 nhưng đây mới là lần đầu tiên việc ghép phổi được thực hiện ở Việt Nam.

TS Hoàng Văn Chương kể về 10 tiếng trong phòng phẫu thuật của ca ghép phổi đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: Lê Hiệp.

Bên cạnh đó, bệnh nhân là cháu Ly Chương Bình (7 tuổi, quê ở Hà Giang) mắc bệnh từ lúc lọt lòng nên bị suy dinh dưỡng với thể trạng chỉ có 14 kg. Đã vậy cháu lại thường xuyên bị viêm phổi, chức năng tim đang bị ảnh hưởng. Nếu không phẫu thuật, cháu Bình khó có thể duy trì sự sống. Trong khi đó, trước nay, ghép phổi lại là một trong những ca ghép được đánh giá là khó do dễ xảy ra nhiễm trùng.

“Thuận lợi nằm ở việc người cho là bố và bác ruột nên không gặp nhiều vấn đề về gene. Tuy nhiên, các lần trước chỉ có 1 người, lần này con số gấp đôi lên nên áp lực của những người gây mê như chúng tôi rất lớn. Phải đảm bảo bệnh nhân sau khi tỉnh không có di chứng nào đáng tiếc” - bác sỹ Chương nói.

Trước một ca mổ với nhiều khó khăn, thử thách và áp lực phải thành công, các bác sĩ Bệnh viện 103 đã có một quá trình chuẩn bị hết sức công phu. Để trau dồi nghiệp vụ, Bệnh viện Quân y 103 đã cử 3 bác sỹ sang Nhật Bản để học về ghép phổi trong 1 tháng, bao gồm cả gây mê, phẫu thuật viên và chạy máy để đảm bảo thành công cho ca mổ.

“Chúng tôi bố trí 3 phòng mổ, trong đó 2 phòng của người cho và 1 phòng của người nhận với trang thiết bị được các chuyên gia Nhật Bản đánh giá cao. Công tác khử trùng phòng mổ là một trong các yếu tố quyết định thành công cho ca mổ vì nguy cơ nhiễm khuẩn trong ghép phổi rất cao. Sau nhiều ngày cấy trùng, may mắn là đến ngày 21/2 thì các vấn đề môi trường được đảm bảo đúng theo yêu cầu để tiến hành phẫu thuật" - bác sỹ Chương cho biết.

“Không nghĩ lại suôn sẻ như vậy”

7h30 sáng ngày 21/2, phòng mổ đón người cho đầu tiên. 30 phút sau, người cho thứ hai được đưa vào. Đến 8h30, bé Ly Chương Bình được tiến hành ca ghép phổi và mọi việc diễn ra vô cùng thuận lợi.

“Chúng tôi không nghĩ mọi chuyện lại suôn sẻ như vậy. Tất cả các khâu đều hoàn hảo, ăn khớp nên ca mổ hoàn thành sớm hơn kế hoạch. Ban đầu chúng tôi dự kiến 19h kết thúc, nhưng do các khâu đều ăn khớp nên 17h30 các bệnh nhân đã được đưa về phòng cách ly” - bác sỹ Chương không giấu được niềm vui sau khi ca phẫu thuật thành công tốt đẹp.

Điều đáng mừng hơn nữa là sau khi ra khỏi phòng mổ 30 phút, 2 bệnh nhân cho đã tỉnh lại và trở về cuộc sống bình thường. Đến tối ngày 23/2, cháu Bình cũng đã được rút ống nội quản và tự thở bình thường. Theo GS-TS Đỗ Quyết - Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 - đến thời điểm này, có thể nói rằng ca mổ đã thành công.

Hơn 2 ngày vừa qua là thời gian vô cùng áp lực, căng thẳng, mệt mỏi với các bác sỹ của Học viện Quân y 103 và chuyên gia Nhật Bản. TS Nguyễn Trung Kiên - Phó chủ nhiệm Bộ môn Gây mê - Học viện Quân y 103 nói rằng, hơn 20 bác sỹ thức đêm theo dõi bệnh nhân nhưng không ai cảm thấy mệt mỏi. Niềm vui khi nhìn thấy sức khỏe của cháu Ly Chương Bình và 2 người cho phổi tiến triển tốt đã át hết mọi mệt mỏi.

Nhớ lại thời điểm kết thúc 10 tiếng trong phòng mổ, bác sỹ Kiên cho biết: “Ca mổ kéo dài nhưng chúng tôi không có cảm giác đói. Được tham gia trực tiếp vào cuộc phẫu thuật, dù thời gian ngắn hay dài, chúng tôi vẫn bám phòng mổ từ đầu đến cuối. Khi ca mổ kết thúc thành công, chúng tôi và các chuyên gia Nhật Bản vỡ òa hạnh phúc và ôm nhau chia sẻ niềm vui. Câu đầu tiên chúng tôi hỏi nhau là “có mệt không” nhưng thành viên nào trong kíp mổ cũng đều đáp lại bằng một nụ cười tươi”.
Chị Phan Thị Tâm - mẹ cháu Ly Chương Bình - vừa khóc vừa kể về bệnh tình của con.

Về phần mình, TS Hoàng Văn Chương khẳng định, đây là thành công của cả tập thể, không phải của riêng cá nhân nào. Cụ thể, ngoài giúp đỡ của các giáo sư Nhật Bản, Bệnh viện Quân y 103 còn nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ về thiết bị, cơ sở vật chất của Bệnh viện Quân đội 108, Bệnh viện Tim Hà Nội, Viện nhi trung ương.

Trong cảm xúc vỡ òa khi nói về sức khỏe của con và người thân sau ca ghép phổi, chị Phan Thị Tâm - mẹ cháu Ly Chương Bình - cho biết, chị cũng từng nghĩ tới trường hợp ca mổ có thể không thành công. Tuy nhiên, chị đặt hết hy vọng vào các bác sỹ với ước mong có thể cứu sống con trai mình, cho con có một cơ thể khỏe mạnh như những đứa trẻ khác.

“Năm 2016 đáng lẽ cháu phải đi học lớp 1 rồi, nhưng vì ốm yếu nên không đi được. Giờ tôi chỉ mong sau khi ra viện, cháu sẽ được đi học thôi” - người mẹ trẻ chia sẻ ước mong giản dị.