Theo các chuyên gia, chúng ta chỉ có thể xử lý khi nó chưa được phát thải ra ngoài. Khi bụi đã ở trong không khí thì chưa có cách nào xử lý cả.

Theo một báo cáo được Trung tâm Nghiên cứu môi trường của Đại học Yale và Đại học Columbia (Mỹ) trình bày tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sỹ, Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có môi trường không khí bị ô nhiễm nặng.

Trong các vấn đề ô nhiễm không khí ở Việt Nam, nổi cộm nhất là ô nhiễm bụi. Theo thống kê của Tổng cục Môi trường năm 2016, số mẫu quan trắc TSP (bụi tổng hợp thô) vượt quy chuẩn quốc gia (QCVN) của các chương trình quan trắc quốc gia luôn vượt quá 80% số mẫu quan trắc trong năm.

Trong các vấn đề ô nhiễm không khí ở Việt Nam, nổi cộm nhất là ô nhiễm bụi.

Số liệu quan trắc giai đoạn 2012-2016 cũng cho thấy, mức độ ô nhiễm bụi (bao gồm bụi thô TSP, PM10 và bụi mịn PM2.5) tại các đô thị như Hà Nội, TPHCM vẫn ở ngưỡng cao, chưa có dấu hiệu giảm trong 5 năm trở lại đây.

Điều nguy hiểm là trong bụi PM10 và PM2.5 luôn chứa bụi siêu mịn PM1.0 - loại có thể đi thẳng từ không khí vào phổi rồi vào mạch máu vì nó quá nhỏ để hệ thống lông mũi, dịch nhầy có thể giữ lại.

Đó là chưa kể đến bụi nano - bé hơn bụi PM1.0 hàng chục, hàng trăm lần, cũng đã được phát hiện tại Việt Nam.

Giới chuyên gia cho rằng, tình trạng ô nhiễm bụi ảnh hưởng nặng nề đến người dân ở cả hai khía cạnh là sức khỏe và kinh tế. Theo thống kê toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 9 người thì có 1 người chết vì bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí.


Tại Việt Nam, tổ chức này ghi nhận mỗi năm có trung bình 16.000 người chết vì ô nhiễm không khí. Thống kê từ Bộ Y tế cũng cho thấy số người mắc bệnh hô hấp chiếm từ 3-4% dân số. Bệnh tật kéo theo thiệt hại về kinh tế do phải chi trả tiền khám, chữa bệnh, mất ngày công lao động của cả bệnh nhân và người chăm sóc, với con số ước tính 20% thu nhập.

Giải quyết vấn đề bụi mịn trong không khí như thế nào? Theo các chuyên gia, chúng ta chỉ có thể xử lý khi nó chưa được phát thải ra ngoài. Khi bụi đã ở trong không khí thì chưa có cách nào xử lý cả.

“Giống như khi bạn thả một đàn gà vào rừng thì khó mà tìm cách bắt lại được. Vì vậy, kiểm soát ô nhiễm không khí chính là kiểm soát nguồn thải” - Phó Giáo sư - tiến sỹ Nghiêm Trung Dũng - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội, nói. “Một khi không có khả năng lọc bụi đã đi vào không khí, chúng ta chỉ có thể tìm cách tránh xa nó hoặc để nó tránh xa chúng ta”.