Uống trà quá nóng có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản ở những người uống rượu và hút thuốc lá.

Jun Lv, nhà dịch tễ học tại Trung tâm Khoa học Sức khỏe thuộc Đại học Bắc Kinh, và các cộng sự tiến hành khảo sát dữ liệu của 456.000 người Trung Quốc ở độ tuổi từ 30 đến 79. Ban đầu không có ai bị mắc bệnh ung thư. Các tình nguyện viên hoàn thành một bảng câu hỏi về lối sống của họ bao gồm mức độ thường xuyên uống trà, lượng trà tiêu thụ, cách chuẩn bị đồ uống và loại trà mà họ uống. Những người tham gia cũng được hỏi về nhiệt độ trà mà họ thường sử dụng với các mức độ: mát, ấm, nóng và nóng bỏng. Sau đó, các nhà khoa học theo dõi họ trong 9,2 năm.

Trà nóng là đồ uống yêu thích của nhiều người. Nguồn: FooPets.
Trà nóng là đồ uống yêu thích của nhiều người. Nguồn: FooPets.

Theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Annals of Internal Medicine, 1.731 người tham gia đã được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư thực quản trong thời gian khảo sát. Những tình nguyện viên có cả ba thói quen uống trà quá nóng, hút thuốc lá và uống nhiều rượu có nguy cơ bị ung thư thực quản cao hơn gấp 5 lần so với người không có các thói quen này.

Các tình nguyện viên thường xuyên uống trà nóng và uống rượu hoặc hút thuốc lá (nhưng không phải cả hai) cũng gia tăng nguy cơ phát triển ung thư thực quản, nhưng tỷ lệ mắc bệnh không quá cao. Đối với nhóm không có cả hai thói quen xấu là hút thuốc và uống rượu, việc uống trà nóng dường như không làm tăng nguy cơ ung thư.

"Với những người uống nhiều rượu hoặc hút thuốc lá, tránh uống trà nóng là điều cần thiết để ngăn ngừa ung thư thực quản", Lv cho biết.

Nhóm nghiên cứu giải thích rằng, uống trà thường xuyên ở nhiệt độ trên 65 độ C cùng với hút thuốc và uống rượu liên quan đến việc làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tế bào vảy của thực quản. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS), các tế bào vảy tạo nên lớp lót bên trong của thực quản. Ung thư biểu mô tế bào vảy là dạng bệnh ung thư thực quản phổ biến nhất ở Mỹ.

Tác giả Lv lưu ý rằng, kết quả nghiên cứu có thể áp dụng cho những người sống ở các quốc gia khác ngoài Trung Quốc. Hạn chế của nghiên cứu là nó chỉ dựa trên thông tin tự báo cáo của những người tham gia về đồ uống của họ mà không thực tế đo nhiệt độ của trà. Ngoài ra, tiêu thụ các loại đồ uống và thực phẩm nóng khác cũng có thể góp phần làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.

Nhóm nghiên cứu khuyến cáo, những người yêu thích trà nóng không cần thiết phải từ bỏ loại đồ uống này – thứ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe – đặc biệt nếu họ là người không hút thuốc và ít uống rượu. Hầu hết người Mỹ thường uống trà và cà phê ở nhiệt độ dường như không gây hại đến thực quản. Nhưng đối với những người thích sử dụng trà quá nóng, họ nên chờ nước nguội đi một chút trước khi uống.