Tỷ lệ người thuộc nhóm tuổi từ 20-39 mắc ung thư ruột đã tăng 7,4% mỗi năm kể từ 2008 tới 2016.

Thừa cân được cho là nhân tố có khả năng tạo ra xu hướng tăng tỷ lệ mắc bệnh

Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện ra tỷ lệ ung thư ruột đang có chiều hướng gia tăng ở châu Âu. Họ cho rằng kích thước vòng eo có thể là một nguyên nhân chính gây ra xu hướng trên.

Loại ung thư này thường được tìm thấy trên những người cao tuổi, nhưng một số nghiên cứu mới đây đang chỉ ra rằng khả năng mắc phải chứng ung thư này ở người trẻ lại cao hơn. Theo những số liệu gần đây, ung thư ruột là căn bệnh đứng thứ hai về số người chết tại Anh, với khoảng 16.000 người chết mỗi năm. Hơn nửa số ca mắc chứng ung thư này được cho là có thể phòng ngừa được.

Không những vậy, theo những nghiên cứu mới đây thì tỷ lệ mắc ung thư đại tràng tại các quốc gia châu Âu xét trên những người thuộc nhóm tuổi 20-39 đang tăng 7,4% hàng năm kể từ 2008 đến 2016, đi cùng với xu hướng đó, tỷ lệ ung thư trực tràng cũng đang gia tăng.

Xu hướng này được cho là đã xuất hiện tại những khu vực khác trên thế giới bao gồm Mỹ, Úc và Trung Quốc.

Cuộc nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ Ban thống kê ung thư quốc gia của 20 nước châu Âu, bao gồm cả Anh, Na Uy, Slovakia và Đức.

Trong 65% các nước, tỷ lệ ung thư đại trang và trực tràng mắc phải ở người trẻ cũng đang gia tăng, còn tại 30% các nước khác thì tỷ lệ này không biến động nhiều và chỉ có 5% số nước là có xu hướng giảm.

Vuik cho rằng: "Chúng tôi thấy rằng tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm dân số già đang giảm đi, đó là bởi vì tại các nước châu Âu có sẵn chương trình khám sàng lọc bệnh ung thư đại tràng và trực tràng. Chính bởi vậy, chúng tôi quyết định sẽ đi tìm ung thư ở giai đoạn sớm hơn, để từ đó có những liệu pháp điều trị mới".

Tuy nhiên nhà nghiên cứu khuyên rằng không nên cho đây là dấu hiệu để thêm nhóm người trẻ vào nhóm đối tượng khám sàng lọc, dù rằng tỷ lệ mắc phải có tăng nhưng mối nguy tuyệt đối vẫn còn đang ở mức thấp: với những người từ 20-39 tuổi, tỷ lệ mắc phải đã tăng từ 2,2 tới 4,9 trên 100.000 người trong giai đoạn từ 1990 tới 2016.

Nhóm nghiên cứu phỏng đoán rằng có nhiều nguyên nhân gây ra xu hướng này. Người phụ trách cuộc nghiên cứu, tiến sỹ Manon Spaander nói: "Việc chúng tôi đang làm hiện giờ là đi tìm hiểu sâu hơn về nhóm dân số này – tại sao nhóm người trẻ trưởng thành lại đang có nguy cơ phát triển ung thư đại tràng và trực tràng? Đó có phải là do béo phì, hay tiểu đường, hay một loại vi khuẩn nào đó, hay do lười hoạt động, hay là do thịt chế biến? Chúng tôi vẫn chưa xác định được nguyên nhân ở thời điểm này".

Nhưng giáo sư Scott Montgomery thuộc bệnh viện Đại học Orebro, người không thuộc cuộc nghiên cứu, cho rằng nhân tố có khả năng gây ra xu hướng này nhất chính là tình trang gia tăng của béo phì.

Ông bổ sung: "Nghi phạm rõ ràng nhất chính là thừa cân, béo phì và khẩu phần ăn uống. Vấn đề về ung thư cần một quá trình lâu dài: tiếp xúc lâu dài với tác nhân gây bệnh chính là thứ sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh của bạn, cũng tương đương rằng nếu bạn dành nhiều năm sống với chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, cùng với đó là những vấn đề về béo phì, bạn đang tự làm tăng khả năng mắc bệnh của bản thân trong những năm tiếp theo của cuộc đời".

Theo Montgomery thì tình trạng này rất khó để giải quyết, đặc biệt là khi chúng ta đang sống trong môi trường mà béo phì là điều phổ biến.

Ông cho rằng: "Điều này sẽ rất khó khăn để loại bỏ những tác nhân gây béo phì ra khỏi cuộc sống khi mà xung quanh bạn đâu cũng thấy người mắc chứng béo phì", ông cũng cho biết thêm rằng số người thừa cân tại Anh đang có tỷ lệ gia tăng.

Theo Montgomery, không có biện pháp can thiệp đơn lẻ nào có thể giải quyết được thực trạng này, tất cả những yếu tố bao gồm luyện tập, chế độ ăn uống và thái độ của mỗi người đều phải được cân nhắc.

Một mặt, ông luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm cân, dù là ở lứa tuổi nào đi chăng nữa, mặt còn lại, Montgomery tin rằng tác hại của việc thừa cân khi còn trẻ sẽ kéo dài tới nhiều năm sau của cuộc đời.