Kế hoạch phòng chống thuốc lá có thể giúp các quốc gia ngăn chặn hàng triệu người tử vong do mắc bệnh liên quan đến khói thuốc, chống đói nghèo và làm giảm suy thoái môi trường quy mô lớn, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Ảnh: Wikimedia.

Ảnh: Wikimedia.

WHO nhấn mạnh rằng thuốc lá đang đe dọa sự phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời kêu gọi các chính phủ thực hiện những biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát thuốc lá. Các biện pháp này bao gồm cấm tiếp thị và quảng cáo thuốc lá, thúc đẩy việc đóng gói thuốc lá bằng bao bì trơn [không có logo và màu sắc mang tính giới thiệu], tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, tạo ra môi trường không khói thuốc tại khu vực công cộng và nơi làm việc.

Thuốc lá là nguyên nhân giết chết hơn 7 triệu người mỗi năm, gây ra tổn thất kinh tế hơn 1,4 nghìn tỷ USD/năm do chi phí chăm sóc sứa khỏe và giảm năng suất lao động. Theo ước tính, khoảng 860 triệu người hút thuốc trưởng thành sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Trong số các hộ gia đình nghèo nhất, chi tiêu cho các sản phẩm thuốc lá thường chiếm hơn 10% tổng chi tiêu hàng tháng của họ.

“Thuốc lá đe dọa tất cả chúng ta. Nó làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo, giảm năng suất kinh tế, làm mất đi nguồn thu nhập của hộ gia đình mà lẽ ra nên dùng cho thực phẩm, giáo dục và chăm sóc sức khỏe”, Margaret Chan, cựu tổng giám đốc của WHO, cho biết.

Bên cạnh đó, thuốc lá cũng có nhiều tác động xấu đối với thiên nhiên. Cụ thể, các chất thải từ thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất độc hại gây ô nhiễm môi trường. Khói thuốc chứa vô số hóa chất gây ung thư cho con người và làm gia tăng hiệu ứng nhà kính. Đầu mẩu thuốc lá chiếm từ 30 đến 40% số lượng các loại rác thải khi dọn dẹp ở khu vực ven biển và đô thị. Khoảng 10 tỷ trong số 15 tỷ điếu thuốc bán ra hằng ngày bị vứt bỏ vào môi trường sau khi sử dụng.

Tất cả các quốc gia trên thế giới đều cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững nhằm tăng cường hòa bình và xóa nghèo. Nội dung chính trong chương trình nghị sự này bao gồm việc thực hiện Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá của WHO, với mục tiêu đến năm 2030 giảm 1/3 số ca tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm (NCDs) như bệnh tim, bệnh phổi, ung thư và tiểu đường, trong đó thuốc lá là một trong những yếu tố gây bệnh chủ yếu.

Hiện nay, chính phủ của các quốc gia thu được gần 270 tỷ USD thuế tiêu thụ đặc biệt mỗi năm từ sản phẩm thuốc lá. Nhưng con số này có thể tăng lên 50%, tạo ra thêm 141 tỷ USD mỗi năm, nếu tăng thuế ở mức 0,8 USD với mỗi bao thuốc lá. Việc tăng doanh thu thuế thuốc lá sẽ giúp huy động nguồn lực trong nước, tạo ra đủ năng lực tài chính để các quốc gia đáp ứng những ưu tiên phát triển theo Chương trình nghị sự 2030.

Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 40.000 người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Con số này có thể tăng lên thành 70.000 trường hợp vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá không được thực hiện kịp thời.