Năm 2018, gần 83.000 trường hợp mắc bệnh sởi đã được ghi nhận ở khắp châu Âu, so với khoảng 25.500 năm 2017. Đây là số liệu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố tuần trước.

Một y tá tiêm sởi cho trẻ em tại Bệnh viện Nhi thành phố Odessa, Ukraine, vào tháng 10 năm 2018. Ảnh: scienmag.

Như vậy, số ca bệnh sởi đã tăng gấp ba lần trên khắp châu Âu vào năm 2018. Quốc gia gây ra sự đột biến này là Ukraine với hơn 54.000 trường hợp, chính phủ nước này cho biết. Năm ngoái, 16 người Ukraine đã chết vì bệnh sởi, một bệnh do virus có thể dễ dàng ngăn ngừa bằng vắc-xin. Đã có hơn 15.000 trường hợp mắc bệnh và 7 trường hợp tử vong trong khoảng thời gian từ 28/12/2018 đến 1/2/2019, theo Bộ Y tế Ukraine; tình hình dịch bệnh tiếp tục xấu đi.

Ulana Suprun, vị bác sĩ từng là Bộ trưởng Y tế của Ukraine, cho rằng nguyên nhân là do một thập kỷ tham nhũng, chiến tranh, thiếu cam kết chính trị với hoạt động tiêm phòng, và phong trào chống vaccine.

Sởi lây lan qua các giọt nước bọt do người do bệnh làm bắn vào không khí khi họ ho hoặc hắt hơi. Hầu hết trường hợp mắc sởi có thể phục hồi, nhưng căn bệnh này có thể gây ra các biến chứng đôi khi dẫn đến tử vong bao gồm viêm phổi và viêm não. Thông thường, trẻ em được tiêm chủng vào khoảng sinh nhật đầu tiên và tiêm một lần nữa trước khi bắt đầu đi học. Theo WHO, 95% trẻ em cần được tiêm phòng đầy đủ để ngăn chặn sởi lây lan.

Ở những nơi khác ở châu Âu, sự hoài nghi về vaccine cũng đã khiến virus này có cơ hội bùng phát. Số trường hợp nhiễm sởi ở Hy Lạp đã tăng gấp đôi từ năm 2017 đến 2018; ở Pháp tăng gần sáu lần.

Trong khi đó, Hoa Kỳ đã ghi nhận 372 trường hợp vào năm ngoái. Một đợt bùng phát dịch ở Washington năm nay đã dẫn đến 53 trường hợp được xác nhận nhiễm sởi tính đến ngày 11/2, dẫn đến số trẻ em nhiễm sởi tính đến thời điểm này trong năm 2019 của Hoa Kỳ đã lên trên 100. Phần lớn số trẻ em này chưa được tiêm phòng.

Trong thập kỷ qua, việc phản đối vaccine cũng đóng một vai trò lớn ở Ukraine. Vào năm 2008, một ngày sau khi tiêm vắc-xin sởi, một thanh niên 17 tuổi đã chết vì nguyên nhân không liên quan đến tiêm phòng, theo WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Cái chết của thanh niên này khiến các bậc cha mẹ mất niềm tin vào vaccine: Tỉ lệ tiêm chủng đã giảm từ 97% ở trẻ 1 tuổi vào năm 2007 xuống còn 56% vào năm 2010. Tỉ lệ này sau đó được cải thiện chậm, đạt 79% vào năm 2012 và 2013.

Nhưng vào năm 2014, Tổng thống Ukraine khi đó, Viktor Yanukovych, bị lật đổ sau các cuộc biểu tình bạo lực, Nga sáp nhập Crimea, và xung đột vũ trang nổ ra ở miền đông Ukraine. Bị tê liệt, chính phủ không thể đặt mua vaccine sởi cho đến cuối năm 2015. Vì thiếu hụt vaccine, năm 2016, Ukraine chỉ tiêm chủng cho 42% trẻ sơ sinh. Và năm đó cũng chỉ có 31% trẻ 6 tuổi nhận được mũi tiêm sởi thứ hai, một trong những tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất trên thế giới.

"Tỉ lệ trẻ em chưa được tiêm chủng cao sẽ dẫn đến bùng phát dịch," Vusala Allahverdiyeva, bác sĩ - cán bộ kỹ thuật tại văn phòng của WHO tại Kyiv, cho biết,

Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác trong việc tiêm chủng. Chính quyền Ukraine đã gặp phải những thách thức cơ bản về cơ sở vật chất. Điều tra vụ bùng phát dịch với 90 trường hợp ở trẻ em nhiễm sởi ở khu vực miền núi phía tây Ukraine năm 2018, Bộ Y tế phát hiện trẻ em đã được tiêm phòng tại một phòng khám bị mất điện thường xuyên và không có máy phát điện. (vaccine sởi phải được bảo quản ở nhiệt độ dưới 8°C để có hiệu lực)

Vaccine bị lỗi cũng có thể là một nguyên nhân. Theo Bộ Y tế Ukraine, hơn 20.000 người mắc bệnh năm 2018 là người trưởng thành đã được tiêm vaccine từ nhiều thập kỷ trước bằng một loại vaccine Nga đã bị loại bỏ vào năm 2001.

Hiện Bộ Y Tế Ukraine đang mua vaccine rẻ hơn thông qua UNICEF, cùng với việc gửi các đoàn tiêm chủng lưu động đến các trường học ở Lviv, một khu vực dịch bùng phát mạnh. Họ cũng chuẩn bị thưởng thêm tiền mặt cho các bác sĩ Ukraine vốn bị trả lương bèo bọt để họ tiêm chủng cho trẻ em. Trong năm 2017, tỉ lệ tiêm chủng của nước này đã tăng trở lại với 93% trẻ sơ sinh và 91% trẻ 6 tuổi.

Nhưng do có nhiều người Ukraine không được tiêm chủng hoặc được tiêm chủng kém hiệu quả, nên dịch bệnh tiếp tục bùng phát.

Dịch bệnh ở Ukraine bùng phát đánh dấu một năm số ca mắc sởi đã gia tăng trên toàn cầu. Tính đến giữa tháng 1, WHO đã nhận được báo cáo về hơn 229.000 ca mắc sởi trong năm 2018. Số liệu về các trường hợp mắc sởi toàn cầu dự kiến sẽ tăng vào thời điểm thống kê được hoàn thành vào tháng 6, nhưng chỉ tính hiện giờ đã tăng 32% so với năm 2017.

Nguyên nhân sâu xa của dịch sởi bùng phát là do không tiêm phòng đầy đủ, Katrina Kretsinger, chuyên gia hàng đầu về bệnh sởi tại trụ sở của WHO, cho biết. "Nhiều người ở nhiều quốc gia vẫn dễ mắc bệnh, nhiều tập thể những người người dễ mắc bệnh có thể dẫn đến những đợt bùng phát dịch lớn."

Nguồn: