Bác sĩ sản khoa 30 năm kinh nghiệm bày tỏ sự lo ngại và cảnh báo không nên học theo phương pháp được coi là “sinh sản thuận tự nhiên” như một người mẹ ở Hưng Yên chia sẻ mới đây trên mạng xã hội. Bà cho rằng, người mẹ này gặp an toàn là nhờ “ăn may”.

Chia sẻ trong một hội nhóm trên Facebook, người mẹ ở Hưng Yên kể rằng, chị mới sinh con thứ hai và tự đẻ tại nhà. Chị cho biết, chị ăn chay hoàn toàn trong suốt thai kỳ và có đi siêu âm các mốc 12, 22, 32 tuần, cũng làm hồ sơ sinh, thử máu và nước tiểu tại bệnh viện khi 36 tuần thai nhưng vẫn ấp ủ ý định sinh tại nhà. Khi chị đau đẻ và leo lên giường, người chồng lo lắng và chạy đi gọi bà đỡ nhưng khi người này tới thì chị đã sinh xong, họ chỉ giúp làm vệ sinh lại.

Người mẹ này còn chia sẻ, mình không chích ngừa cho con, không cắt rốn và “ngày thứ 6 bạn ấy tự rụng rốn và bà tắm nói là rốn rất đẹp”.

Dù chưa xác minh được trường hợp cụ thể xảy ra ở đâu và vào thời điểm nào, câu chuyện này đã được nhiều người chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, thu hút các luồng bình luận trái chiều. Về mặt chuyên môn, các bác sĩ sản khoa đều bày tỏ sự lo ngại và cảnh báo không nên học theo phương pháp được coi là “sinh sản thuận tự nhiên” như người mẹ trên chia sẻ.

Theo báo cáo của Tổ chức cứu trợ trẻ em, khoảng 2,2 triệu trẻ em trên thế giới bị tử vong trong quá trình sinh nở hoặc tử vong ngay trong ngày đầu sau sinh. Trong số này, một nửa có thể can thiệp được nếu các bà mẹ và trẻ được tiếp cận với dịch vụ y tế miễn phí và nữ hộ sinh có kinh nghiệm. Vụ Sức khỏe Bà mẹ, trẻ em (Bộ Y tế) cũng khẳng định, nếu phụ nữ đẻ có cán bộ y tế đỡ thì nguy cơ tử vong giảm 5 lần.

Không phải thành tích để lan truyền

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung. Ảnh:tiin.vn

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung, người có thâm niên hơn 30 năm trong ngành sản phụ khoa, hiện là trưởng khoa sản, Trung tâm Y khoa Thái Hà (Hà Nội), cho rằng tự sinh con tại nhà, không cắt rốn cho trẻ là đi ngược với sự tiến hóa của nhân loại. “Trường hợp người mẹ ở Hưng Yên tự sinh con an toàn là ăn may, không gặp sự cố gì nguy hiểm chứ không phải một thành tích để lan truyền, chia sẻ”, bà nói.

Bác sĩ Dung chia sẻ, khi sinh con lần đầu, chính bà cũng từng có ý định đẻ tại nhà, nhờ bà ngoại của mình – vốn là một người làm nghề sản khoa giỏi, rất nhiều kinh nghiệm, đỡ cho, nhưng người bà dứt khoát từ chối, bắt mẹ bầu phải vào bệnh viện.

“Quá trình sinh có thể diễn ra hết sức nhẹ nhàng, bình thường nhưng cũng có khi gặp biến chứng nguy hiểm tới tính mạng – mà việc đó nhiều khi không thể đoán trước được. Nếu sản phụ bị biến chứng băng huyết sau sinh – máu chảy không ngừng từ tử cung, cổ tử cung hoặc âm đạo – thì cần được cấp cứu bởi đội ngũ chuyên về sản, gây mê, hồi sức… với các thuốc đặc trị và thậm chí truyền máu. Sản phụ sinh tại nhà không có sự hỗ trợ của y tế nếu lỡ gặp tai biến này thì khó mà cứu được”, bà Dung nói.

Chia sẻ quan điểm về việc không cắt rốn cho trẻ, bác sĩ cho rằng, một miếng thịt ở nhiệt độ thường 6 tiếng đã có thể ôi thiu, huống hồ để bánh nhau ở bên ngoài cơ thể 6 ngày thì khả năng nhiễm khuẩn rất cao, em bé vẫn bình an là điều may mắn. “Nhiều người chia sẻ các hình ảnh trẻ sơ sinh phương Tây chào đời xong cũng không được cắt rốn và vẫn sống khỏe mạnh. Nhưng cần hiểu rằng đó cũng chỉ các trường hợp riêng lẻ và điều kiện sống, môi trường tự nhiên của chúng ta khác xa họ”, bác sĩ phân tích.

Một đại diện Cục Bảo vệ trẻ em, Bộ Y tế cho hay, đơn vị này đã nhận được thông tin về trường hợp người mẹ tự sinh con tại nhà qua mạng xã hội và đang tìm hiểu xác định danh tính người mẹ nhưng chưa có kết quả.

Tại thời điểm này, Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ khi mang thai cần đi khám định kỳ, khi sinh con nên đến cơ sở y tế để được đỡ đẻ và chăm sóc cả mẹ lẫn con an toàn. Việc tự sinh tại nhà mà không có cán bộ y tế hỗ trợ có thể dẫn đến những nguy cơ, tai biến trầm trọng như băng huyết, nhiễm trùng, uốn ván sơ sinh, thậm chí tử vong cả mẹ lẫn trẻ... Bộ cũng đề nghị các các Sở y tế địa phương quản lý thai kỳ cho bà bầu, tuyên truyền rộng rãi về chăm sóc thai nghén, an toàn khi sinh và hạn chế tối đa các trường hợp tự sinh tại nhà.