Đó là phát hiện của một nghiên cứu mới do FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) thực hiện, công bố trên tạp chí y khoa uy tín JAMA hôm 6/5.

Quy mô của nghiên cứu trên là tương đối nhỏ, với chỉ khoảng 20 tình nguyện viên tham dự – những người đầu tiên được kiểm tra nồng độ hóa chất trong máu, bao gồm các thành phần của kem chống nắng như avobenzone, oxybenzone, octocrylene và ecamsule, sau khi sử dụng sản phẩm theo đúng chỉ dẫn. Kết quả cho thấy, cả 4 chất trên đã được hấp thụ và ngấm vào máu tương đối nhanh, mặc dù vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn liệu chúng có gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe hay không.

Nguồn ảnh: Shutterstock.
Nguồn ảnh: Shutterstock.

Phát hiện trên không đồng nghĩa với việc mọi người nên ngừng sử dụng kem chống nắng, do những tác hại đã được chứng minh của hoạt động phơi nắng quá nhiều. Kanade Shinkai – tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa da liễu tại Đại học California San Francisco, người không tham gia vào nghiên cứu trên – cho biết: “Chúng ta vẫn cần sử dụng kem chống nắng và làm theo khuyến nghị để bảo vệ bản thân khỏi tác hại của tia nắng Mặt trời, bao gồm nguy cơ ung thư da và sự phát triển của nhiều loại u ác tính.” Tuy nhiên, kết quả này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu về tác động tiềm ẩn của các loại hóa chất [có trong mỹ phẩm chống nắng] đối với sức khỏe khi chúng chuyển sang lưu thông trong máu – Shinkai bổ sung.

Ngoài ra, bên cạnh mối lo ngại, người dùng cũng nên biết rõ, rằng một số thành phần khác trong kem chống nắng sẽ không thấm vào máu và được công nhận là an toàn, bao gồm oxit kẽm, titan dioxide – thường có trong kem chống nắng chứa chất khoáng (mineral sunscreen), hoạt động hiệu quả khi được phủ lên da và phản chiếu các tia nắng thay vì hấp thụ chúng giống như các loại kem thông thường.

Mặc dù kem chống nắng vẫn đang được sử dụng rộng rãi, tuy nhiên đã có rất ít nghiên cứu về sự an toàn và hiệu quả của nhiều loại hóa chất phổ biến trong sản phẩm. Hồi tháng 2/2019, FDA đã đề xuất thiết lập các quy tắc mới nhằm nâng cao độ an toàn của kem chống nắng, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực này cung cấp thêm bằng chứng về tính an toàn của 12 thành phần hóa học chủ yếu. Theo lý thuyết, nếu các nhà sản xuất không gửi dữ liệu vào tháng 11 năm nay, tất cả các loại kem chống nắng có chứa 12 chất này có thể sẽ bị cấm trên thị trường – Shinkai cho biết. Tuy nhiên, bà cũng kỳ vọng thời hạn sẽ được nới rộng thêm, nếu các doanh nghiệp cam kết thực hiện những nghiên cứu đánh giá an toàn.

Sau cùng, chúng ta cũng cần lưu ý rằng, việc sử dụng kem chống nắng chỉ nên được xem là một trong những khuyến nghị nhằm giúp mọi người tự bảo vệ mình khỏi tác hại của tia nắng mặt trời. Bên cạnh đó còn nhiều phương pháp khác, như tìm nơi có bóng râm thay vì phơi nắng quá nhiều, mặc quần áo bảo hộ, mũ và đeo kính râm – theo CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ).