Trong khoảng 80 năm qua, chất lượng tinh trùng của đàn ông (trên khắp thế giới) nhìn chung đã giảm tới 50%, không chỉ về số lượng mà còn cả ở tính linh hoạt.

Năm 2016, một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Nottingham đã công bố nghiên cứu, lưu ý rằng ngay cả chó nhà cũng đang gặp phải sự suy giảm chất lượng tinh trùng, đưa đến mối hoài nghi về một loại tác nhân nào đó trong môi trường gia đình hiện đại – thứ góp phần khiến cho “con giống” của cả người và chó yếu đi. Những thí nghiệm được thực hiện sau đó đã chứng tỏ suy đoán trên dường như là đúng, và thứ tác nhân đó chính là hóa chất nhân tạo.

Không chỉ người, chất lượng "con giống" của chó cũng bị suy giảm đáng kể do các hóa chất gia dụng. Ảnh: Sciencedaily.

Không chỉ người, chất lượng "con giống" của chó cũng bị suy giảm đáng kể do các hóa chất gia dụng. Ảnh: Sciencedaily.

Trong một bài báo công bố trên Tạp chí Scientific Reports vào hôm 4/3, cũng lại nhóm nghiên cứu tại ĐH Nottingham đã mô tả chi tiết thí nghiệm mà họ thực hiện để kiểm chứng tác động của hai loại hóa chất lên tinh trùng của người và chó. Một là DEHP, chất phụ gia có tác dụng làm tăng độ dẻo của vật liệu, xuất hiện trong mọi thứ từ thảm, vải bọc cho đến quần áo và đồ chơi; Hai là polychlorination biphenyl 153 (PCB153), hóa chất công nghiệp đã từng được sử dụng rất nhiều trước khi bị cấm trên toàn cầu kể từ năm 2001, tuy nhiên vẫn tồn tại khá nhiều trong môi trường, bao gồm cả thức ăn cho người và chó.

Sau khi ủ tinh trùng của người hiến tặng và chó với hóa chất (có nồng độ tương đương như trong môi trường tự nhiên), các nhà nghiên cứu phát hiện thấy những tác dụng phụ (gây hại) tương tự đối với cả hai loài như làm suy giảm khả năng linh hoạt lẫn tăng cường phá hủy DNA – tác giả Richard Lea cho biết trong thông cáo báo chí.

Đây không chỉ là nghiên cứu đầu tiên khám phá ra ảnh hưởng tiêu cực của DEHP và PCB153 tới chất lượng tinh trùng, mà còn cho thấy tác động khá giống nhau ở cả người và chó – phát hiện đặc biệt có giá trị đối với các nghiên cứu tương lai liên quan đến sự suy giảm chất lượng tinh trùng, dẫn tới cuộc khủng hoảng “vô sinh” trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, theo nhận định của nhà nghiên cứu Rebecca Sumner, thì “các thử nghiệm trên chó cũng là một mô hình rất hiệu quả trong nghiên cứu về tác động của ô nhiễm hóa chất đến sự duy giảm khả năng sinh sản, nhất là khi những ảnh hưởng ngoại sinh khác như bởi chế độ ăn thì thường dễ được kiểm soát hơn bởi con người.”