Trong tiết trời lạnh có tuyết như ở Thường Châu (Trung Quốc), cơ thể các cầu thủ sẽ chịu nhiều áp lực và dễ dẫn đến chấn thương.

Tại Thường Châu, nơi đội tuyển Việt Nam chuẩn bị tham dự trận chung kết giải vô địch U23 châu Á, nhiệt độ ngày 25/1 đã xuống -1 độ C. Tuyết rơi khiến người hâm mộ lo lắng về sức khỏe của các chàng trai trẻ trong trận đấu gặp tuyển Uzbekistan lúc 15h ngày thứ Bảy 27/1 (giờ Việt Nam).

Trên thực tế, khi thi đấu ngoài trời, các cầu thủ sẽ chịu tác động không nhỏ từ giá rét. Trong trận bán kết với tuyển Qatar hai ngày trước, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đội trưởng U23 Việt Nam Xuân Trường đã xin phép trọng tài được ra khỏi sân thu thập áo ấm mang vào sân cho đồng đội khoác để giữ sức khỏe.

Theo AccuWeather, chơi bóng trong thời tiết mùa đông đồng nghĩa với việc cơ thể chịu nhiều áp lực. James Carter, Giám đốc Viện Khoa học Thể thao Gatorade mô tả vào mùa đông, con người bước vào "cuộc chiến cung cấp máu". "Cơ bắp hoạt động cần thêm máu nhưng máu lại đổ dồn vào trong tập trung bảo vệ các phần cốt lõi", ông Carter giải thích. Lúc này, tim phải làm việc nhiều, các cầu thủ cũng cần tăng cường bổ sung năng lượng để vừa giữ ấm vừa luyện tập, thi đấu.

 Các cầu thủ U23 Việt Nam đem theo áo ấm và găng tay khi thi đấu dưới tiết trời lạnh ở Trung Quốc. Ảnh: Anh Khoa.  Các cầu thủ U23 Việt Nam chú trọng mặc áo ấm và găng tay khi thi đấu dưới tiết trời lạnh ở Trung Quốc. Ảnh: Anh Khoa.
Các cầu thủ U23 Việt Nam đem theo áo ấm và găng tay khi thi đấu dưới tiết trời lạnh ở Trung Quốc. Ảnh: Anh Khoa.

Sau vấn đề trao đổi chất, cái rét khiến cơ bắp cầu thủ bị lạnh, từ đó hiệu quả hoạt động giảm. Dây thần kinh gửi tín hiệu từ não đến các bộ phận chậm hơn nên phản ứng cơ thể kém nhanh nhẹn. Đặc biệt, cơ cứng rất dễ gây chấn thương.

Mất nước cũng là nguy cơ cần đề phòng. Mùa đông, dù không đổ nhiều mồ hôi, cơ thể vẫn tiêu hao nước qua hơi thở. Hơn nữa, con người thường ít thấy khát vào mùa đông, dẫn đến tâm lý chủ quan không uống nước, trong khi nước là yếu tố vô cùng quan trọng để duy trì cân bằng nội môi.

Thêm vào đó, cơ thể con người thích nghi với nhiệt độ cao tốt hơn nhiệt độ thấp. Một thử nghiệm chỉ ra nếu được làm quen trước với nhiệt độ cao trong 10 ngày, các cầu thủ dễ dàng thi đấu tốt nhưng không đạt được kết quả tương tự nếu đổi sang nhiệt độ thấp.

Để đảm bảo hiệu quả thi đấu, ông Carter khuyến cáo các cầu thủ bóng đá tuyệt đối không để cơ bị lạnh. "Giờ nghỉ giữa hiệp hay bất cứ sự gián đoạn nào khác đều là cơ hội cho cơ bắp nguội đi. Những lúc ấy, bạn cần tiếp tục vận động để giữ nhiệt độ chuẩn bị quay lại chơi tiếp", vị chuyên gia nói. Ông lưu ý thêm cầu thủ không ra sân cũng nên tập nhẹ.

Ngoài ra, các cầu thủ phải chú ý đến dinh dưỡng, ăn uống đủ chất; khi ra sân mặc nhiều lớp áo mỏng, đeo găng và tất đầy đủ.