Khi nói đến công nghệ nhận diện khuôn mặt (facial recognition), không ít người cảm thấy rùng mình hay nghĩ tới những điều tệ hại. Nhưng thực sự, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng nó cho mục đích tốt.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt có tiềm năng hứa hẹn trong việc bảo tồn các loài linh trưởng. Ảnh: Futurism

Công nghệ nhận diện khuôn mặt có tiềm năng hứa hẹn trong việc bảo tồn các loài linh trưởng. Ảnh: Futurism


Các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Michigan (MSU) vừa phát triển thành công một ứng dụng nhận diện khuôn mặt, hứa hẹn sẽ giúp được rất nhiều loài linh trưởng đang gặp nguy hiểm – kết quả được công bố trên arXiv.

Trong nỗ lực bảo tồn các động vật hoang dã, theo dõi vị trí của chúng là một nhiệm vụ quan trọng và đòi hỏi nhiều công sức. Theo truyền thống, những người bảo tồn thường tìm cách bắt và gắn thiết bị theo dõi lên cơ thể con vật. Cách tiếp cận này thường khá tốn kém do giá thiết bị dao động trong khoảng 400 – 4000 USD, bên cạnh những tác động có hại, như khiến con vật hoang mang, bị thương, hoặc thậm chí chết.

Vì vậy, phần mềm PrimNet ra đời là để khắc phục những hạn chế trên. Đầu tiên, nhóm nghiên cứu bắt đầu xây dựng dữ liệu hình ảnh của ba loài linh trưởng: khỉ vàng, vượn cáo, và tinh tinh, sau khi chụp hàng ngàn con vật đang sống trong môi trường hoang dã. Tiếp đó, họ sử dụng cơ sở dữ liệu trên để huấn luyện một mạng trí tuệ nhân tạo (neutral network) biết phân biệt từng con. Tương ứng với dữ liệu, các nhà khoa học cũng phát triển ứng dụng PrimID, giúp cho việc sử dụng hệ thống PrimNet trở nên dễ dàng hơn. Cụ thể, các nhà nghiên cứu và bảo tồn đơn giản chỉ cần chụp nhanh hình của con vật rồi bỏ vào ứng dụng. Sau đó, hệ thống sẽ đối chiếu – MSU khẳng định là chính xác đến 90%, hoặc nếu không thể tìm được hình ảnh chính xác, nó sẽ tự động khoanh vùng và thu hẹp phạm vi xuống còn 5 cá thể.

Nhóm nghiên cứu của MSU tỏ ra rất tin tưởng vào tương lai của PrimNet. “Chúng tôi đang lên kế hoạch mở rộng cơ sở dữ liệu ra nhiều loài linh trưởng hơn, đồng thời phát triển thiết bị nhận diện mặt và chia sẻ dữ liệu trên các website mở”, Anil Jain – tác giả chính của nghiên cứu, phát biểu trong một buổi họp báo.

Trước thực trạng hơn 60% các loài linh trưởng đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng, chúng ta thực sự không có nhiều thời gian để lãng phí trong việc bảo vệ chúng. Và PrimNet được kỳ vọng, sẽ không chỉ giúp ngăn chặn những mất mát trong tương lai, mà còn đem tới đóng góp vào sự phát triển của những loài chưa bị đe dọa. Chúng ta sẽ không còn phải sợ hãi hay chỉ nghĩ về những điều tồi tệ nữa.