Xu hướng quốc tế hóa trong KHXH&NV đã được thảo luận nhiều năm, chủ yếu bàn ở “chiều xuất” - phương thức thúc đẩy công bố ở các tạp chí quốc tế, mà chưa bàn tới “chiều nhập” – xây dựng tạp chí KHXH&NV trong nước đạt chuẩn quốc tế nhằm thu hút giới học thuật quốc tế.

Đối với các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật, việc xây dựng được một tạp chí trong nước đạt chuẩn quốc tế, được lọt vào cơ sở dữ liệu của khu vực hoặc quốc tế như ISI, Scopus không còn là điều quá hiếm hoi. Vừa qua, tạp chí Khoa học vật liệu và thiết bị tiên tiến của Đại học Quốc gia lọt vào cả hai danh mục ISI và Scopus, hoặc thậm chí, một tạp chí “tỉnh lẻ” của Đại học Đà Lạt cũng lọt vào cơ sở Asian Citation Index của khu vực.

“Đối với các ngành KHXH&NV, việc có một tạp chí quốc tế hóa là rất cần thiết, bởi trong bối cảnh hội nhập, ta không thể nào ‘nói riêng với mình’ được. Nhưng câu hỏi là khi nào trong KHXH có một tạp chí vào danh mục Scopus?” GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV Hà Nội trăn trở và cho rằng các nhà khoa học, nhà quản lý phải nghiêm túc đánh giá kinh nghiệm quốc tế, tiềm lực, khả năng xây dựng một tạp chí như vậy.

Không thể viết theo cách “cho riêng mình đọc”

Trước tiên, chúng ta trở lại câu chuyện từ … 30 năm trước của Tạp chí KHXH Việt Nam (Vietnam Social Science Review) của Ủy ban KHXH Việt Nam (tiền thân của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam ngày nay), hay còn được gọi là “tạp chí ba thứ tiếng”. Cái tên “ba thứ tiếng” này xuất phát từ việc tạp chí được xuất bản bằng cả ba thứ tiếng Anh, Pháp và Nga, đồng thời thể hiện một mục tiêu rất lớn, là sẽ phủ sóng được các nghiên cứu của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nói riêng và của giới KHXH Việt Nam nói chung tới các khu vực sử dụng ba ngôn ngữ này.

“Khi xây dựng tạp chí, Liên Xô có hứa rằng sẽ tài trợ để tạp chí tham gia hội nhập quốc tế. Nhưng sau khi xuất bản được vài số thì nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Viện (sáng lập và chủ biên Tạp chí đối ngoại Nghiên cứu Việt Nam bằng tiếng Pháp và tiếng Anh và là Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn - nay là Nhà xuất bản Thế giới – PV ) nói rằng ‘viết cho Tây đọc, mà viết như tạp chí ấy, thì Tây không đọc được đâu’ ”, PGS.TS Mai Quỳnh Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, nhớ lại.

Các cơ sở nghiên cứu KHXH&NV đều đang nỗ lực theo đuổi các chuẩn mực quốc tế trong nghiên cứu. Ảnh: Một hội thảo bàn về nâng cao chất lượng công bố của trường ĐH KHXH&NV và Nafosted tổ chức vào năm 2016.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Viện viết các công trình nghiên cứu được đánh giá là kinh điển về Việt Nam học thì được giới học giả quốc tế đón đọc và trích dẫn rất nhiều. “Những chủ đề ông Nguyễn Khắc Viện viết giống như chủ đề của tạp chí ba thứ tiếng xuất bản thôi, nhưng ông Viện viết cách khác, đúng chuẩn mực quốc tế, không trích dẫn nghị quyết, thì được Tây đọc. Còn tạp chí đó đến nay chỉ còn xuất bản bằng tiếng Anh, và nói thật là trong giới học giả quốc tế, và các giáo sư ở đây cũng không mấy ai còn nhớ đến nó nữa.” PGS Mai Quỳnh Nam nói.

Tức là, bên cạnh việc đầu tư nguồn lực tài chính, tổ chức nhân sự, biên dịch bằng ngôn ngữ quốc tế, thì cần viết sao cho ‘lọt tai’ học giả nước ngoài - đúng thông lệ quốc tế thì chúng ta chưa làm được.

Bốn tiêu chí phổ biến để xây dựng tạp chí quốc tế

Tuy nhiên, ngay cả khi các bài viết theo đúng chuẩn mực quốc tế, thì còn hàng loạt các vấn đề khác liên quan đến tổ chức tờ tạp chí cũng cần theo thông lệ quốc tế. Cho đến tận thời điểm hiện nay, “thì có lẽ phải thẳng thắn là còn … rất lâu nữa chúng ta mới có được tạp chí đạt chuẩn quốc tế. Tôi hiểu được rằng chúng ta đang rất cố gắng, nỗ lực, nhưng nếu nhìn vào [cách thức tổ chức] các tạp chí của chúng ta hiện nay thì chúng ta sẽ không bao giờ đạt được danh mục này” GS.TS Phạm Quang Minh thẳng thắn nhận xét.

Ông phân tích khả năng đó dựa trên bốn tiêu chí phổ biến để xây dựng một tạp chí quốc tế: thứ nhất, nếu tạp chí quốc tế yêu cầu tối thiểu 30% hội đồng biên tập là học giả quốc tế, thì toàn bộ ban biên tập của hầu hết các tạp chí đều là người Việt Nam (gần đây đã có sự điều chỉnh thêm một vài học giả nước ngoài nhưng thực chất chỉ là “đánh bóng” cho tạp chí mà chưa thực sự tham gia vào toàn bộ quy trình xuất bản của tạp chí); thứ hai là phải có học giả uy tín người nước ngoài viết nhưng các tạp chí chưa thu hút được; thứ ba là tạp chí phải ra đúng kỳ hạn; thứ tư là phải có sự phản biện thật sự nghiêm túc theo quy trình, thông lệ phản biện quốc tế. Nhìn trên cả bốn tiêu chí này, thì hiện nay chưa có một tạp chí KHXH&NV trong nước nào có thể đảm bảo.

GS Phạm Quang Minh cũng phân tích trường hợp Tạp chí VNU Journal of Social Sciences and Humanities của trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, mặc dù mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2015, nhưng vẫn đặt kỳ vọng trở thành diễn đàn trao đổi học thuật dành cho các nhà nghiên cứu trong nước cũng như quốc tế và có mục tiêu trở thành tạp chí quốc tế đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực KHXH&NV vào năm 2025.

Để đạt được mục tiêu này, tạp chí đã xây dựng theo đúng bốn tiêu chí trên, có quy trình biên tập theo tiêu chuẩn quốc tế - với hai vòng bình duyệt khắt khe và tỉ lệ bị từ chối lên tới 60%, đồng thời có một hội đồng biên tập gồm các nhà khoa học trong nước có uy tín quốc tế và 5 học giả lớn từ quốc tế như David Marr, Carlyle Thayer (Australia), Oscar Salemink (Na Uy), Peter Zinoman (Mỹ)… Nhưng trên thực tế, những tên tuổi này cũng mới chỉ là “góp mặt đặt tên” chứ chưa đóng góp được nhiều, các bài viết còn chưa đạt được tỉ lệ trích dẫn cao bởi các nhà khoa học quốc tế, việc tạo ảnh hưởng quốc tế còn rất gian nan.

Nên đầu tư vào đâu?

Về mặt nội dung nghiên cứu, các nhà khoa học hoàn toàn tự tin vào khả năng thu hút các học giả quốc tế, bởi vì từ nhiều năm nay, Việt Nam học vẫn là mảnh đất hấp dẫn giới học thuật quốc tế. Ví dụ, những hội thảo lớn về Việt Nam học luôn có mặt các nhà nghiên cứu nổi tiếng thế giới, và các tạp chí quốc tế uy tín vẫn công bố rất nhiều nghiên cứu về Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho biết, các bài viết về Việt Nam học trên các tạp chí quốc tế có thể đạt được tỉ lệ trích dẫn rất cao – cho thấy mức độ quan tâm với tình hình ở Việt Nam. Đồng quan điểm, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: “mỗi lần tổ chức hội thảo Việt Nam học, chúng ta đã thu hút được khoảng 200 nhà khoa học quốc tế tham gia, trong đó có khoảng hơn 100 bài nghiên cứu rất xuất sắc”.

Như vậy, thậm chí, không cần nói đâu xa, khi bắt đầu xây dựng tạp chí quốc tế về KHXH&NV của Việt Nam, chỉ cần lấy những bài xuất sắc từ hội thảo Việt Nam học của các học giả quốc tế đăng cũng đã rất thu hút sự quan tâm của quốc tế.

Trên thực tế, không chỉ có các nhà nghiên cứu trong khối ngành KHXH&NV thấy cần thiết phải xây dựng tạp chí đạt chuẩn quốc tế, mà lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng đã ủng hộ ý định này, theo GS Phan Huy Lê. Ông cho biết, sau 3 kỳ hội thảo Việt Nam học, nhận thấy sự quan tâm rất lớn của các học giả quốc tế tới việc nghiên cứu Việt Nam học cũng như nhu cầu thảo luận của các học giả quốc tế với học giả Việt Nam, ông đã làm tờ trình lên Thủ tướng về việc xây dựng tờ tạp chí KHXH&NV đạt chuẩn quốc tế và đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, mặc dù thống nhất được rằng cần phải có một lộ trình xây dựng tạp chí KHXH đạt chuẩn quốc tế, cần có sự đầu tư dài hạn cho một tờ tạp chí có tiềm năng nhất, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa thảo luận “ngã ngũ” về việc cần đầu tư vào tạp chí nào hay cần thiết phải xây dựng một tạp chí hoàn toàn mới. “Trước hết, việc này cần phải gắn với trách nhiệm của hai cơ quan luân phiên chủ trì các hội thảo quốc tế về Việt Nam học: Đại học Quốc gia và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Chúng ta từng quyết tâm nhiều và nói nhiều rồi, nhưng cần bắt tay vào làm ngay”, GS Phan Huy Lê nói.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đề xuất Quỹ Nafosted, Bộ KH&CN nên có chủ trương hỗ trợ các cơ quan trên trong việc xây dựng một tạp chí mạnh, đạt chuẩn quốc tế trong KHXH&NV. Ông Đỗ Tiến Dũng, giám đốc Quỹ Nafosted cho biết, Quỹ cũng có một khoản hỗ trợ xây dựng các tạp chí trong nước, tất nhiên khoản này không thể đủ để hỗ trợ hoàn toàn cho một tạp chí mới, nhưng có thể hỗ trợ phần nào cho các tạp chí có “tiềm năng”, dưới dạng các chi phí hỗ trợ mời phản biện quốc tế, in ấn, đi hội thảo nước ngoài.

Đồng thời, ông Dũng cũng tin rằng, từ kinh nghiệm của các ngành khoa học tự nhiên là chính các nhà khoa học đã có công bố quốc tế mạnh quay trở lại xây dựng tạp chí trong nước đạt chuẩn quốc tế, thì rất có thể ngành KHXH&NV cũng làm được điều này, sau khi đã có những nhà khoa học công bố trên nhiều tạp chí uy tín.


“Khi nghiên cứu và xuất bản các vấn đề như chính trị học, thể chế, tôn giáo, quyền con người, hay kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… thì chúng ta có phân tích các vấn đề đó đúng theo dòng học thuật quốc tế, để quốc tế quan tâm thực sự không? Khi còn có độ vênh ở chỗ này, thì kỳ vọng của chúng ta cũng vẫn còn xa vời”, PGS. TS Mai Quỳnh Nam