Theo kinh nghiệm xây dựng smart city của một số quốc gia phát triển, chỉ khoảng 30% số đô thị xác định được các công nghệ cốt lõi và có kế hoạch triển khai khả thi, bởi việc đầu tư hạ tầng công nghệ đòi hỏi rất lớn về tài chính.

Xu hướng phát triển đô thị thông minh

Nghiên cứu của các tác giả Nguyễn Văn Khôi, Phạm Lê Cường, Hà Minh Hiệp - Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ - cho thấy một xu hướng đang thịnh hành là phát triển các công nghệ lõi làm nền tảng cho hạ tầng đô thị thông minh. Nghĩa là mỗi đô thị thông minh sẽ tập trung phát triển một số nhóm công nghệ cốt lõi như giao thông, môi trường, công nghệ cao, công nghệ thông tin.

Cụ thể, nhóm công nghệ giao thông thông minh giúp tăng cường hiệu quả và chất lượng dịch vụ của giao thông đô thị qua camera giám sát, áp dụng công nghệ nhận diện điều khiển từ xa và công nghệ phân tích dữ liệu để quản lý lưu lượng giao thông, lưu thông hàng hóa theo thời gian thực...

Nhóm công nghệ môi trường thông minh phục vụ quy hoạch đô thị xanh gồm công nghệ giám sát theo thời gian thực, công nghệ mạng để phân tích sự phân bố của không gian công cộng, quy trình công nghệ phục vụ quản lý hiệu quả và tối ưu hóa các tòa nhà, công nghệ bảo tồn năng lượng, giảm phát thải và phục hồi các nguồn nước đô thị...

Trung tâm hành chính Đà Nẵng được thiết kế là tòa nhà hành chính thông minh. Ảnh: Lê Liên
Trung tâm hành chính Đà Nẵng được thiết kế là tòa nhà hành chính thông minh. Ảnh: Lê Liên

Nhóm công nghệ cao, công nghệ mới phục vụ sản xuất sản phẩm và cung ứng dịch vụ nhằm định hướng đổi mới công nghệ và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Công nghệ tự động hóa trong sản xuất và dịch vụ giúp đẩy nhanh quá trình sản xuất, duy trì sức cạnh tranh của một đô thị thông minh.

Một xu hướng khác trong triển khai smart city là phát triển các dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) mới nhằm tăng cường kết nối trong chính phủ, kết nối giữa chính phủ với người dân, doanh nghiệp, nâng cao trách nhiệm, sự minh bạch của chính phủ. Đổi mới lĩnh vực kinh doanh của các doanh nghiệp cũng là một xu hướng được nhiều quốc gia ưu tiên. Ở đó, các doanh nghiệp mở rộng lĩnh vực kinh doanh trong các dịch vụ của đô thị thông minh trên cơ sở lợi thế ban đầu của mình.

Có 2 nhóm doanh nghiệp chính sẽ được tập trung phát triển mạnh là: Nhóm thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ và nhóm cung cấp công nghệ. Sự kết nối và hợp tác giữa 2 nhóm này sẽ ngày càng tăng trong quá trình phát triển đô thị thông minh.


Lập smart city theo định hướng thị trường

Cũng theo nghiên cứu trên, hiện mô hình đầu tư smart city trên thế giới được chia theo 2 loại: Mô hình của chính phủ và mô hình quan hệ đối tác công - tư (PPP), được hiểu là sự hợp tác giữa các tổ chức công và tư nhân, cùng chia sẻ rủi ro, chi phí và lợi ích. Mô hình PPP có thể được chia thành các loại: Chính phủ đầu tư, tư nhân vận hành; chính phủ đầu tư một phần, tư nhân đầu tư và vận hành; xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT); xây dựng - chuyển giao (BT); xây dựng - sở hữu - vận hành (BOO); xây dựng - chuyển giao - vận hành (BTO).

Những năm gần đây, chính quyền địa phương đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển đô thị thông minh; tuy nhiên trong tương lai, việc xây dựng đô thị thông minh sẽ theo định hướng thị trường. Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn hóa, xây dựng luật pháp, xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch tổng thể để phát triển đô thị thông minh.

Chính vì vậy, việc hiểu đúng về mô hình đô thị thông minh sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách phân tích đầy đủ các vấn đề thuận lợi, khó khăn, rủi ro tiềm ẩn, đồng thời sẽ sớm tìm ra các giải pháp mới để xây dựng đô thị thông minh phù hợp với yêu cầu thực tiễn.