Vụ phun trào bùn lớn nhất thế giới xảy ra trên hòn đảo Indonesia do magma hòa trộn với trầm tích phun lên mặt đất thông qua các lỗ thoát.

Hỗn hợp bùn, nước, đá và khí bắt đầu phun trào từ một số lỗ thoát (vent) trên đảo Java, Indonesia, kể từ năm 2006. Dòng chảy bùn nóng đe dọa làng mạc và những cánh đồng lúa, buộc người dân phải đi sơ tán và xây dựng đê ngăn bùn, theo UPI. Vụ phun trào này được gọi là Lusi.

Cho đến nay, các lỗ thoát Lusi vẫn tiếp tục phun khoảng 80.000 m3 bùn mỗi ngày, đủ để lấp đầy 72 bể bơi dùng trong thi đấu Olympic. Đôi khi, chúng thải ra các luồng khí gas và mảnh vụn đá giống như mạch nước phun.

Nhờ công nghệ hình ảnh mới, các nhà khoa học tại Đại học Oslo, Na Uy, phát hiện hệ thống ống dẫn ngầm của núi lửa chịu trách nhiệm về dòng chảy bùn đang diễn ra. Kết quả nghiên cứu về vụ phun trào lớn nhất thế giới được công bố trên tạp chí Geophysical Research: Solid Earth hôm 17/10.

Bùn bắt đầu phun ra từ một số địa điểm trên đảo Java của Indonesia kể từ ngày 29/5/2006. Ảnh: Adriano Mazzini.
Bùn bắt đầu phun ra từ một số địa điểm trên đảo Java của Indonesia kể từ ngày 29/5/2006. Ảnh: Adriano Mazzini.

Mazzini và đồng nghiệp sử dụng một loạt máy đo địa chấn được lắp đặt cách đây hai năm để nghiên cứu trầm tích và đá bên dưới khu vực xảy ra vụ phun trào bùn Lusi. Kết quả cho thấy có một đường hầm kéo dài từ địa điểm phun trào bùn đến buồng magma của khu phức hợp núi lửa Arjuno-Welirang gần đó.

Magma và chất lỏng thủy nhiệt chảy từ lớp manti hòa trộn với trầm tích bên dưới các lỗ thoát Lusi, tạo ra những túi khí áp lực cao theo thời gian. Trận động đất năm 2006 là nguyên nhân giải phóng áp lực này.

"Chúng tôi phát hiện những lỗ thoát bùn kết nối với đứt gãy dẫn đến buồng magma của khu phức hợp núi lửa Arjuno-Welirang ở sâu dưới lòng đất. Toàn bộ hệ thống đã có mặt ở đó, tất cả chỉ chờ được kích hoạt", Adriano Mazzini, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.