Trong khi các nhà nghiên cứu tạm thời còn phát biểu khá dè dặt và nêu lên những hạn chế về sự hiểu biết hiện nay đối với căn bệnh này thì đã lan truyền các tin đồn, chỉ nhằm gây hoang mang sợ hãi hoặc làm chúng ta tin rằng có kẻ nào đó đứng đằng sau căn bệnh này, và ai đó được hưởng lợi.

Tin giả trên mạng xã hội
Tin giả trên mạng xã hội

Dưới đây là một số tổng kết của tờ tuần báo uy tín Spiegel của Đức nhằm giúp độc giả đại chúng tránh rơi vào hoang mang.

1. Bill Gates biết trước sẽ bùng phát dịch virus Corona

Ngày 18.10. 2019, Quỹ Bill và Melinda Gates, Diễn đàn kinh tế thế giới và Trung tâm Y tế Đại học Johns Hopkins Center đã tổ chức “Event 201” mô phỏng kịch bản về một đại dịch nhằm mục đích luyện tập và để khuyến cáo các chính phủ, các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nên hợp tác như thế nào khi xảy ra khủng hoảng để đạt kết quả tốt nhất. Tại đây, nhóm tổ chức đã gọi nguyên nhân gây đại dịch toàn cầu là Coronavirus giả tưởng.

Do lan truyền tin đồn nên Trung tâm John Hopkin đã khẳng định, tuy bài tập của chúng tôi lấy tên virus Corona giả tưởng nhưng các mô hình được đưa ra không thể so sánh với 2019-nCoV.”

Tóm lại: Tuy trong tháng mười đã diễn ra kịch bản khủng hoảng liên quan đến đại dịch virus Corona tưởng tượng. Tuy nhiên không thể từ chuyện đó suy luận những người tham gia sự kiện này đã biết trước điều gì xảy ra với một loại Coronavirus mới.

2. Coronavirus hình thành trong phòng thí nghiệm vũ khí sinh học

Thành phố Vũ Hán của Trung Quốc có hàng triệu dân, đây cũng là ổ dịch , nơi bùng phát virus Corona, tại đây có phòng thí nghiệm tối mật cấp độ 4 Wuhan National Biosafety Laboratory (BSL - biosafety level 4), cấp độ an toàn cao nhất. Trong một phòng thí nghiệm cỡ như các nhà khoa học có thể nghiên cứu về các nguyên nhân gây bệnh tối nguy hiểm đối với con người ví dụ như virus Ebola. Phòng thí nghiệm có độ bảo vệ cấp bốn thường rất hiếm. Việc bệnh dịch xảy ra tại một thành phố có phòng thí nghiệm với độ an toàn BSL-4 đương nhiên dễ bùng phát tin đồn rằng vật gây bệnh chắc hẳn đã phát tán từ phòng thí nghiệm ở đây. Trong khi đó, trên thực tế, việc nghiên cứu đối với Coronavirus không nhất thiết phải đạt cấp độ bảo vệ 4: nghiên cứu SARS và MERS là những virus nguy hiểm cũng chỉ đòi hỏi cấp độ bảo vệ 3.

Một số hình ảnh về phòng thí nghiệm cấp 4 ở Vũ Hán đã bị đính kèm với những tin đồn gây hoang mang kiểu coronavirus là một loại vũ khí sinh học. Ảnh: China’s Xinhua News Agency
Một số hình ảnh về phòng thí nghiệm cấp 4 ở Vũ Hán đã bị đính kèm với những tin đồn gây hoang mang kiểu coronavirus là một loại vũ khí sinh học. Ảnh: China’s Xinhua News Agency

Báo “Washington Post” đã phải phỏng vấn các nhà khoa học liệu loại Coronavirus mới này nCov-2019 có phải do một phòng thí nghiệm tạo ra hay không. Các chuyên gia đã bác bỏ luận điểm này và khẳng định điều này là không thể.

3. Coronavirus được cấp bằng sáng chế

Trên các trang mạng khác nhau đã xuất hiện một danh sách dài với tất cả bằng sáng chế hoặc đăng ký bằng sáng chế trong đó có từ “Coronavirus”. Ví dụ như đơn đăng ký bằng sáng chế về phương pháp thu thập protein và kháng nguyên từ những tế bào bị nhiễm virus Corona, hay một bằng sáng chế khác liên quan đến tiêm chủng Coronavirus cho chó.

Đúng là có bằng sáng chế liên quan mật thiết đến vật gây bệnh, tuy nhiên không ai có thể đăng ký bằng sáng chế về một con virus mà thực ra phải nghiên cứu biện pháp chữa trị, thí dụ làm suy yếu nó để thử làm vaccine. Hơn nữa, nếu ai đó nghĩ rằng mỗi bằng sáng chế, trong đó có cụm từ Coronavirus, thì đều liên quan đến vụ bùng phát dịch hiện nay thì người đó lầm to. Bởi lẽ không chỉ có một loại Coronavirus, mà ở đây có cả một dòng họ đông đảo các virus khác - và thứ có giá trị để diệt loại virus này không nhất thiết cũng có công dụng diệt các loại virus khác. Do đó người có bằng sáng chế về vaccine tiêm chủng cho chó không kiếm chác được gì trong vụ bùng nổ dịch ở Vũ Hán hiện nay.

4. Bộ sưu tập tin đồn trên YouTube rằng có điều gì đã bị ỉm đi

Trên mạng xã hội lan truyền các báo cáo ẩn danh về các ca bệnh hay các video cho thấy những người Trung Quốc bị nhiễm Coronavirus bỗng nhiên ngã lăn quay ngoài đường. Nhưng thường là người công bố video để ẩn danh, không hề có bằng chứng về nguồn gốc hoặc thời gian ghi những hình ảnh này.

Trong các video như vậy, thậm chí có cả giọng người phát ngôn rất trịnh trọng và chì chiết theo kiểu: “Báo chí đã ỉm đi không cho chúng ta biết mọi thông tin liên quan đến virus Corona” hoặc là “Đại dịch – Coronavirus thực sự nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì mà người ta trấn an các bạn.” Ở đoạn cuối video người ta còn kêu gọi phát tán các video này nhiều nhất có thể.

Cuộc điều tra thực tế của AFP còn phát hiện một video được share (chia sẻ) hàng nghìn lần trên Facebook đề cập đến một chợ bị coi là hang ổ của Coronavirus tại thành phố Vũ Hán. Video cho thấy người ta bày bán thịt dơi, chuột, rắn và các loại thịt khác - tuy nhiên thực ra những hình ảnh này xuất xứ từ một chợ ở Indonesia.