Vết đen khổng lồ trên bề mặt Mặt Trời có thể quan sát từ Trái Đất và đe dọa bùng phát lóa Mặt Trời nguy hiểm về phía hành tinh.

So sánh vết đen Mặt Trời với kích thước Trái Đất (chấm màu xanh đen).
So sánh vết đen Mặt Trời với kích thước Trái Đất (chấm màu xanh đen).

Vệ tinh Solar Dynamics Observatory (SDO) của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện vết đen Mặt Trời ký hiệu AR2665 rộng 120.000 km vào tuần trước, theo Sun. Vết đen đủ lớn để quan sát rõ từ Trái Đất và quay trực tiếp về phía hành tinh. Nó có thể tạo ra những đợt lóa Mặt Trời cấp M, gây mất tín hiệu vô tuyến trên Trái Đất, làm gián đoạn liên lạc vệ tinh.

Vết đen Mặt Trời (sunspot) là những khu vực tối màu lạnh hơn trên bề mặt Mặt Trời, kết quả của những tương tác với từ trường bao quanh. Chúng có xu hướng xuất hiện ở những khu vực có cường độ hoạt động từ trường mạnh. Các vết đen cũng là nơi bùng phát bão và lóa Mặt Trời nguy hiểm. Loại bão này có thể tạo ra cực quang trên Trái Đất, gây thiệt hại cho mạng lưới điện và mất điện ở nhiều nơi.

"Một cụm vết đen Mặt Trời mới lọt vào tầm quan sát của vệ tinh SDO và dường như đang lớn dần nhanh chóng. Đây là vết đen đầu tiên xuất hiện sau hai ngày Mặt Trời không có vết đen nào. Nó có thể là nguồn phát ra một số lóa Mặt Trời, nhưng còn quá sớm để dự đoán ảnh hưởng của nó", NASA cho biết.